Skip links

Cái mùi Tết

Với mỗi người con đất Việt, Tết bao giờ cũng là khoảng thời gian gói trọn bao yêu thương của cả một năm dài, là khi những giá trị truyền thống được kế thừa, là những cuộc hồi hương cho ngày sum họp. Tết trong lòng những người con xa xứ như tôi, lại càng mang nhiều nỗi nhớ niềm thương.

Tết trong tôi là hồi ức về những ngày tất bật chuẩn bị cùng người thân:

Ba ngày mồng, khâu chuẩn bị đã tươm tất, cả nhà vui vầy đón năm mới, đi chúc Tết, đón Xuân. Không còn những lúc vừa làm luôn tay, vừa cùng nhau kể lại những câu chuyện đã nghe mỗi năm tới thuộc lòng. Mỗi cuối năm, lòng tôi lại chộn rộn nghĩ về Tết, lại bắt đầu chuẩn bị những thứ cần có cho một cái Tết của người Việt ở trời Tây.

Tết là ký ức về những câu chuyện được kể khi cùng nhau làm bánh Tét

Người miền Trung không gói bánh Chưng. Chúng tôi mang lá Chuối, gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh để cuộn thành đòn bánh Tét dài, tròn lẳn như bắp tay. Tôi nhớ mãi lời mẹ dặn làm bánh Tét phải tròn đều, không được móp méo. Cái nào cái nấy đều nhau như được đúc ra từ một khuôn. Hồi nhỏ, tôi cứ thắc mắc mãi, sao bà và mẹ có thể làm ra những cái bánh Tét đều đẹp đến vậy chỉ với đôi bàn tay. 

Gói bánh Tét, vui nhất là lúc quây quần kể nhau nghe mọi câu chuyện trong nhà. Những câu chuyện năm nào cũng có người kể lại nhưng không ai thấy chán. Chuyện có khi, chỉ là ngày xưa bà ngoại dạy mẹ cách gói bánh Tét, quấn lá, siết dây, cột bánh ra sao. Chỉ vậy thôi!

Tết, là những lúc quây quần bên nhau canh lửa nấu bánh. Trong lúc chờ bánh chín để vớt ra, trước ánh lửa ấm bập bùng, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ vui tươi. Vậy thôi mà in mãi trong ký ức tôi, để rồi khi sống ở châu lục khác vẫn không quên kể lại với con từng chi tiết một.

Con tôi không phải người Việt Nam, lại sống ở Úc nhưng không vì vậy mà con xa lạ với Việt Nam, với văn hoá châu Á. “Chim có tổ, người có tông”. Tôi luôn tìm cơ hội để con tiếp xúc với văn hoá của người Châu Á. Ngày Tết là khi con được thấy rõ nét văn hoá này nhất. Con luôn tỏ ra hứng thú mỗi khi được biết thêm về nguồn cội, đặc biệt là văn hóa Việt Nam. Mỗi dịp Tết, con được học cách làm bánh Tét, được nghe những câu chuyện như tôi từng nghe thuở bé. Nhìn thấy con vui vẻ, ghi nhớ và bắt chước làm theo cũng đã đủ để tôi thấy hạnh phúc, thấy yêu thêm mỗi lần Tết đến.

Không chỉ ngày Tết mà trong cả những giao tiếp thường nhật, tôi cũng tìm cơ hội để chia sẻ với con về giá trị của văn hoá, của cội nguồn dân tộc. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể không nhớ rất nhiều thứ trong đời, nhưng những gì thuộc về nguồn cội thì cần phải khắc ghi, dù cho chúng tôi đang sống ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này.  

Tết, còn là mùi thơm của các loại mứt mà mẹ và mấy chị em cùng sên 

Không chỉ có những câu chuyện, Tết còn không thể thiếu vị ngọt ngào của các loại bánh mứt được làm ngay trong gian bếp nhỏ của gia đình. Tôi nhớ mãi mùi thơm và vị ngon khó cưỡng của những mẻ mứt dừa, mứt gừng, mứt dẻo gần tới lúc thành phẩm, mà mẹ tôi thường làm. Lúc này mứt đang còn dẻo, mềm mềm và cái mùi thơm lựng, làm bọn nhóc chúng tôi thòm thèm vô cùng. 

Ký ức trong tôi khi ấy, miếng mứt ngon lạ lùng, đến giờ nghĩ lại vẫn nhớ. Mứt gừng mang vị cay cay, ngòn ngọt; mứt dừa thơm béo, mềm vừa đủ; rồi cả vị thơm toát lên từ thơm, cà chua, đu đủ, tắc,… của những mẻ mứt dẻo thực sự khiến tôi không kiềm lòng được, mà bốc trộm vài miếng cho vào miệng, khi mẹ đang nhanh tay đổ mẻ mứt ra ngoài cho khô lại. 

Tết xa quê hương có thể thiếu vài thứ nhưng không thể thiếu những mẻ mứt được sên kỹ tới mỏi nhừ cánh tay. Hình ảnh mẹ tôi đứng sên mứt với mái tóc búi gọn, cánh tay cầm đũa đảo liên hồi, còn lưu dấu trong tôi mãi tới giờ. Mỗi lần ăn một miếng mứt lại bùi ngùi nhớ mẹ, nhớ những ngày xưa còn ăn Tết với gia đình.

Tết, là cùng nhau trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ đón xuân về

Có người nói với tôi “Mùi Tết là mùi nhà cửa được dọn dẹp”. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Ai cũng muốn đón năm mới trong một ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát, phảng phất mùi hương của hoa tươi, của nhang, trầm. Dù không sống ở Việt Nam nhưng mỗi năm gần tới ngày Tết, tôi lại nghĩ ra những concept khác nhau để trang trí nhà cửa cho có không khí. Nhiều món đồ phải nhờ anh chị và bạn bè mua từ Việt Nam rồi gửi sang. Mất thêm chút thời gian nhưng bù lại, chúng tôi được sống trong những ngày Tết đậm chất châu Á.

Có năm, chúng tôi dựng trong nhà một góc chợ quê với sạp hàng, thúng mủng, bày biện mấy món hàng nhỏ thân thương. Có năm, con chủ động muốn được thử dùng quang gánh, nên tôi nhờ người thân gửi qua. Con đặt đòn gánh lên vai rồi ngạc nhiên vì không dễ như khi nhìn trên phim ảnh. Tôi thường nhân những dịp này để kể cho con nghe chuyện về làng quê, về những người nông dân một nắng hai sương, những người buôn gánh bán buôn vất vả.

Nhà tôi ở Úc vẫn có bàn thờ, vẫn duy trì tục thờ cúng tổ tiên. Bé được mẹ dạy cách lạy ông bà, cách thắp nhang rồi cả cách khấn nguyện các bậc bề trên. Con được cùng cha mẹ nói chuyện, được đón giao thừa, được ăn mứt, được chơi nhiều trò chơi dân gian của Tết… Mỗi một điều nho nhỏ ấy đều làm con háo hức và tò mò, dần dần con biết nhiều hơn, yêu thương hơn hai tiếng Việt Nam. 

Tết, là rục rịch chuẩn bị từng món quà cho những người thân yêu

Sống ở một đất nước khác, một nền văn hoá khác lại thêm guồng quay của cuộc sống hiện đại, không khí Tết tưởng chừng không còn nguyên vẹn như những ngày xưa, nhưng với riêng tôi thì ngược lại. càng xa Việt Nam tôi lại càng nhớ thương ngày Tết. 

Với tôi, Tết vẫn lưu giữ trọn vẹn những hương vị của ngày xưa. Dù Tết có làm tôi bận rộn nhiều hơn, lo toan nhiều hơn, chi tiêu và chăm sóc gia đình cũng nhiều thách thức hơn, nhưng tôi luôn thấy háo hức và vui vẻ như khi còn là một cô bé thường ăn vụng mứt dừa của mẹ. Sống xa quê hương, trở thành một người vợ, người mẹ, tôi tận hưởng cảm giác hạnh phúc mỗi khi được chuẩn bị Tết cho những người thân yêu.  Nó như một thứ nếp nhà được kế thừa từ bà, từ mẹ tôi. 

Tết là dịp để mọi người thể hiện sự yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho nhau sau một năm làm việc vất vả. Lịch trình những ngày cuối năm của tôi luôn bận rộn nhưng không vì thế mà tôi bỏ bê gia đình. Càng gần Tết, tôi càng muốn dành thời gian cho những người tôi thương yêu. Tôi không muốn vì cập rập mà bỏ quên một ai. 

Tôi chuẩn bị Tết từ rất sớm, thường vào khoảng 2 tháng trước đó. Tôi mua thêm quần áo mới, chọn từng món quà cho người thân. Tôi cẩn thận xem lại danh sách của những năm trước để sắm sửa Tết dần dần. Ngoài gia đình, tôi còn thích tặng quà cho các anh chị em trong team. Được nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt thân thương của người nhận cũng làm Tết của tôi thêm phần ý nghĩa. Mỗi món quà là tình cảm mà tôi muốn dành đến cho người nhận, cũng là cách tôi dạy con mình về tình yêu thương. 

Tôi hiểu và thương Tết Việt vô cùng vì được truyền tình yêu và cảm hứng từ mẹ, từ gia đình. Đó là những bài học vỡ lòng được dạy từ trong mỗi mái nhà, trở thành nguồn cội văn hoá và một phần tâm thức cho người Việt Nam, để dù có đi đâu, sống ở nơi nào trên thế giới cũng vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn một lòng gìn giữ. 

Tết của mọi người thường như thế nào?

Much love,

Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Much love,

Truly Inspired