4 kiểu cha mẹ và những ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời con cái
Trước khi bắt đầu chủ đề này, tôi có 3 câu chuyện để chia sẻ với bạn – những câu chuyện mà tôi tin rằng mọi ông bố bà mẹ đang trên hành trình nuôi dạy con cái đều có thể nhìn thấy trong đời mình, hoặc chính cách bạn đang làm mỗi ngày:
Câu chuyện thứ nhất:
Đồng nghiệp của tôi có một người bạn thân mà lần đầu tiên được mời đến nhà anh ấy ăn cơm, tôi hơi bất ngờ vì đứa con 6 tuổi của anh ấy khá nhút nhát, e dè trong mỗi hoạt động giao tiếp với người lớn. Đặc biệt, đứa bé thường hay nói chuyện một mình và có những biểu hiện như không mấy liên quan đến cuộc sống gia đình đang diễn ra.
Thậm chí, khi tôi đến tặng cho cậu bé một bộ đồ chơi làm quà lần đầu gặp mặt và cũng là sinh nhật cậu, bé rất bất ngờ. Cậu mở món quà ra với đôi mắt đầy thích thú và có vẻ như đang muốn hỏi tôi điều gì đó. Nhưng cuối cùng cậu lại thôi. Ban đầu tôi khá khó hiểu, nhưng sau đó, khi càng trò chuyện sâu hơn và quan sát kỹ hơn những hành động của các thành viên trong gia đình với nhau, tôi chợt dần hiểu ra vấn đề. Một lát nữa tôi sẽ nói cho bạn nghe cụ thể hơn nhé!
Câu chuyện thứ hai:
Tôi biết một gia đình nhỏ nọ, có cô con gái cũng đang độ tuổi vào cấp 2. Từ nhỏ, cô bé rất xinh xắn và ba mẹ của cô không ngừng tự hào, yêu thương, nuông chiều vô điều kiện kể từ khi bé ra đời, bởi vì hai vợ chồng kết hôn tận 10 năm mới sinh được con. Nhưng, khi bắt đầu vào cấp 2, cô bé lại trở thành một trong những điều rắc rối mà ba mẹ của cô luôn đối diện mỗi ngày. Như là, bé không muốn đi học nữa vì ở trường không có ai chịu chơi cùng, hoặc có những lần tự ý đòi nghỉ học ngang chỉ vì cô giáo không đáp ứng điều gì đó khi bé cần,…
Kết quả là, mỗi ngày đi học luôn có một màn đấu tranh giữa ba mẹ và cô con gái với những chuyện rất nhỏ nhặt. Chuyện gia đình dần rơi vào bế tắc khi bé ngày càng cứng đầu, khó bảo, chỉ làm những điều mình thích mặc kệ lời bố mẹ. Dường như cô bé cũng đang bước vào những nổi loạn đầu tiên liên quan đến tâm sinh lý tuổi dậy thì, nhưng, quan trọng hơn điều mà tôi nhận ra đó là do cách nuôi dưỡng mà bố mẹ cô đã mang đến từ khi lọt lòng.
Câu chuyện thứ ba:
Câu chuyện này xảy ra trong chính gia đình của tôi, với cô con gái vừa tốt nghiệp cấp một cách đây không lâu. Thật ra, cô bé là con riêng của chồng tôi, nhưng chúng tôi sống chung một nhà nhiều năm nay. Mối quan hệ của tôi và bé khá ổn, nếu không muốn nói là tốt đẹp. Trong ngày lễ tốt nghiệp của con, tôi đứng ở dưới, nhìn bé xúm xít vui cười bên bạn bè mà lòng tôi ngập tràn hạnh phúc đến… phát khóc!
Tôi không tự nhận mình là một người mẹ giỏi, nhưng tôi có chút tự hào khi trở thành một người bạn đáng tin tưởng để cô bé có thể chia sẻ mọi thứ với tôi – dẫu là những chuyện khi bé bất đồng quan điểm với những mối quan hệ xung quanh.
Điều tôi muốn nói ở đây, đó chính là cô bé con của tôi đang dần bước qua những rào cản về tâm lý khi sống với người mẹ khác – là tôi. Bé đã biết cách chia sẻ quan điểm, ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng mà không còn xốc nổi hay chực trào nước mắt và không nói được gì nữa. Ví dụ, mỗi khi có bất đồng, hoặc gặp vấn đề với bạn học, bé đều tìm tôi để tâm sự và cùng tôi tìm ra cách gỡ rối vấn đề và chuẩn bị sẵn sàng để “phản đòn” nhưng trên tinh thần “dĩ hòa vi quý”, trân trọng các mối quan hệ bạn bè của mình.
Khi bắt đầu nghiên cứu và làm việc nhiều hơn với các tài liệu về nuôi dạy con cái, tôi đã vô tình phát hiện ra 3 cách nuôi dạy con của 3 gia đình ở trên đều hiện hữu trong đời sống hằng ngày của nhiều gia đình khác, dù bạn đang sinh sống ở Tây bán cầu hay Đông bán cầu.
Mọi thứ càng được làm rõ hơn khi tôi nghe về nghiên cứu của Diana Baumrind – một nhà tâm lý học người Mỹ đã chỉ ra 4 kiểu dạy con và những ảnh hưởng quan trọng của nó đến với cuộc đời con cái, trong bài viết của tác giả Kendra Cherry đăng trên Verywellmind.com. Nếu bạn đọc qua 4 kiểu giáo dục này, có lẽ bạn sẽ thấy cả 3 câu chuyện ở trên và cả câu chuyện của gia đình mình trong đó:
Kiểu thứ nhất: Cha mẹ thờ ơ – không can thiệp
Tôi sẽ quay lại giải thích nhiều hơn về câu chuyện cậu bé 6 tuổi ở trên. Thực ra, trong suốt bữa ăn gia đình hôm đó, mỗi khi cậu bé có câu hỏi nào thì chỉ toàn nhận được câu trả lời: “Con ngồi yên cho mẹ nói chuyện”, “Con tự tìm đi, bố không biết” hoặc “Mẹ sẽ không có thời gian đâu, con tự xem đi nhé”. Nhưng, lạ thay, các yêu cầu này hoàn toàn không hề quá đáng, bố mẹ cậu chỉ cần vài chục giây là đã có thể giúp cậu tìm được câu trả lời nhưng không ai làm điều đó.
Bạn có hay như vậy không? Bạn hãy rà soát lại xem có bao nhiêu lần vì bận rộn công việc, sợ lỡ việc cá nhân mà bạn đã phớt lờ, quên đi những câu hỏi con trẻ đặt ra cho mình?
Hoặc, có những khi câu hỏi đó quá đơn giản và trẻ con khiến bạn không muốn trả lời chúng, dù đó thực sự là vấn đề mà bọn trẻ đang thắc mắc?
Với kiểu cha mẹ này, thường sẽ không tham gia nhiều vào việc xây dựng nền tảng sống cho con, ít các hướng dẫn chia sẻ, dạy con cách lên kế hoạch cho các hoạt động cá nhân của mình. Trong một số trường hợp, bố mẹ còn có thể từ chối hoặc bỏ bê những nhu cầu quan trọng của con, ngoài việc chu cấp ăn uống, ngủ nghỉ mà thôi.
Những đứa trẻ có cha mẹ thờ ơ, không quan tâm, lớn lên sẽ có xu hướng tự ti, thiếu chính kiến hoặc tinh ranh. Chúng cũng có thể không biết ước mơ hoặc trở nên mơ mộng hão huyền. Đặc biệt, chúng luôn cảm thấy cô độc và khao khát nhận được sự quan tâm của người khác, nhưng kết quả thường đi ngược lại với mong đợi bên trong.
Kiểu thứ hai: Cha mẹ nuông chiều quá mức và đáp ứng mọi nhu cầu của con
Đây cũng là lý do khiến cho cô con gái ở câu chuyện thứ 2 trở nên bướng bỉnh và ngày càng khiến bố mẹ đau đầu hơn, với những rắc rối do cô gây ra. Vì là đứa con mà bố mẹ khao khát có được sau 10 năm kết hôn, nên sự ra đời của bé đã biến cô trở thành cái rốn của vũ trụ. Cô muốn gì, bố mẹ đều đáp ứng, cô cần gì bố mẹ đều làm cho. Nên, đến độ tuổi bắt đầu hòa nhập với cộng đồng, xã hội cô bé lại gặp khó khăn và không có ai chơi cùng. Bởi vì, khi chơi với các mối quan hệ khác không phải bố mẹ, nhưng cô vẫn không thể nào quên đi “tính công chúa” muốn gì được nấy của mình. Tuy nhiên, bạn bè và cô giáo không ai có nghĩa vụ đáp ứng những yêu cầu của cô bé. Thế là, đâm ra cô không thích nghi được với môi trường xung quanh.
Với kiểu cha mẹ nuông chiều con một cách vô điều kiện như vậy, con cái lớn lên sẽ có xu hướng không có khả năng tự lập và không biết điều khiển cảm xúc của bản thân, không nắm rõ đâu là giới hạn mà mình cần tuân thủ. Và đặc biệt, con trẻ sẽ không thực sự có năng lực làm bất cứ việc gì hay học tốt điều gì ở trường học.
Kiểu thứ ba: Cha mẹ độc đoán, kiểm soát, chuyên quyền
Là kiểu cha mẹ mong muốn quản thúc con từ nhỏ với thái độ nghiêm ngặt và áp đặt, không quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con khi chúng phát biểu ý kiến. Đa phần cha mẹ ở kiểu này sẽ muốn con nhất nhất nghe lời, cha mẹ luôn đúng, con cần làm theo mọi mệnh lệnh mà không cần phải biết lý do tại sao. Nếu con không làm đúng thì sẽ phạt con thật nặng, hoặc dùng những lời lẽ để chỉ trích con.
Cách giáo dục này sẽ có 2 kết quả:
Một là, bạn sẽ có một đứa trẻ luôn ngoan ngoãn, làm theo bổn phận nhưng cũng đồng thời không có chính kiến, không cảm thấy được tôn trọng, được hạnh phúc ngay trong chính gia đình của mình.
Hai là, bạn sẽ có một đứa con “nghịch ngầm”, đặc biệt khi đến tuổi chớm dậy thì, con sẽ chống đối, gây xung đột và nổi loạn nhiều hơn khi bắt đầu cảm thấy “Mình đã lớn”.
Tuy nhiên, điểm chung của những đứa trẻ này đó là: kỹ năng quyết đoán rất kém và thường không có định hướng rõ ràng về cuộc đời của mình.
Kiểu thứ tư: Cha mẹ yêu thương nhưng vẫn rất nguyên tắc
Đây là cách mà tôi cũng có nói đến qua câu chuyện thứ ba ở trên. Tôi rất yêu thương con gái, thường xuyên làm bạn, làm người hướng dẫn và lắng nghe con. Tuy nhiên, tôi không hề nuông chiều hay đáp ứng toàn bộ yêu cầu của con. Với những việc cần có nguyên tắc và cam kết, tôi vẫn đề nghị và trao đổi với bé một cách rất thẳng thắn.
Tôi nghĩ, với cách giáo dục này, chúng ta sẽ luôn vừa có những đứa con ngoan nhưng cũng rất có chính kiến và năng lực tự phát triển bản thân. Hơn thế nữa, chúng ta còn luôn có những “người bạn” nhỏ rất dễ thương, mỗi ngày cùng nhau trò chuyện vui vẻ và chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một thực tế là khá ít cha mẹ có thể làm được điều này trong suốt hành trình nuôi dạy con. Thậm chí, nhiều người cho rằng điều này khó làm trong gia đình của họ. Nhưng tôi lại không cho là thế.
Với tôi, mọi mối quan hệ đều cần được đầu tư – mối quan hệ với con cái cũng như vậy. Và, để có thể nuôi dạy con những điều tốt nhất, tôi có một nguyên tắc như thế này:
Mọi thứ, mọi việc trong gia đình có liên quan đến con – đều sẽ thực hiện dựa trên sự đồng thuận. Sự đồng thuận ở cả phía bố mẹ và con cái.
Bạn nên thường xuyên đặt câu hỏi để biết con thực sự muốn gì. Trong trường hợp con không muốn làm điều gì đó, tuyệt đối không nên ép chúng. Điều bạn cần làm là hãy giải thích lợi ích hoặc lý do tại sao con cần phải làm. Khi con thực sự hiểu vấn đề, bạn sẽ đạt được sự đồng thuận từ con và tất nhiên, con cũng sẽ làm điều mà bạn cho là tốt đó với tâm thế rất thoải mái.
Tóm lại, việc thấu hiểu rõ cách mà chúng ta đang giáo dục con hàng ngày sẽ giúp bạn biết tiếp cận với con cái một cách chuẩn xác nhất, dù con đang ở độ tuổi nào. Bởi vì, phương pháp nuôi dạy con của bạn ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi, ứng xử và cả cuộc đời của con về sau. Vì thế, đừng quá vội vàng, thờ ơ hay độc đoán, nuông chiều. Hãy dành cho bản thân và con cái những điều xứng đáng, những điều tuyệt vời bằng việc điều chỉnh lại cách thức giáo dục của chính bạn hôm nay nhé!
Much love,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Much love,
Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!