LÀM PHỤ HUYNH KHÔNG DỄ TÍ NÀO!
Người ta vẫn hay nói rằng, khi nào chúng ta làm cha mẹ mới có thể thấu hiểu được những nỗi khổ mà người làm cha mẹ đang trải qua. Và mình, khi đã ở độ tuổi trở thành phụ huynh của trẻ con, mới thực sự ngấm hơn ý nghĩa của câu nói này.
Ngày hôm nay, khi đang nuôi dưỡng một cô con gái sắp vào độ tuổi vị thành niên, trong mình lại có thêm rất nhiều những nỗi lo lắng về các trải nghiệm mới mẻ, mà bản thân sẽ phải trải qua. Tuy nhiên, mình luôn có mặt trọn vẹn trong từng khoảnh khắc bên con, dù đó là lúc ăn uống, đi chơi hay những lúc dạy bảo con một điều gì đó, mình có đủ sự chú tâm để hiểu được con như thế nào. Mình kiên nhẫn với rất nhiều vấn đề của con, mình thấu hiểu tính cách của bé ra sao, nên hầu như mọi tình huống mình đều có thể cùng con giải quyết. Mình học cách “giữ cái đầu lạnh” và sử dụng “trái tim nóng”, tùy vào từng tình huống đang diễn ra quanh bé. Thậm chí, có những lúc vì muốn con tự nhận ra giá trị bài học sâu sắc nào đó, mình sẽ không dỗ dành ngọt ngào với con, mà thay vào đó là sự chừng mực, nghiêm khắc để con thực sự biết giá trị của một món đồ, hay biết trân trọng những điều mà người khác làm cho con, dù là nhỏ hay lớn.
Một trong những may mắn mà cuộc đời dành cho mình có lẽ là những vấp ngã sớm của chính mình trong công việc, trong cuộc sống, trong hôn nhân. Khi trải qua những điều đó, mình có cơ hội chỉnh sửa bản thân, nhận ra nhiều bài học và kinh nghiệm để có thể sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với bất kỳ người nào cần đến mình. Đặc biệt, nhờ đó, mình trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, học cách thấu hiểu người khác từ việc thấu hiểu chính mình.
Mình sẽ kể bạn nghe một câu chuyện mà mình vừa chứng kiến gần đây: Trong lúc đi dạo phố cùng một người bạn, chúng mình bắt gặp một đứa trẻ khoảng 7-8 tuổi đang nằm lăn ra đất khóc to. Bên cạnh cậu là người mẹ trẻ đang có vẻ lúng túng vì tiếng la hét của cậu con trai, làm ảnh hưởng đến người đi trên phố, phần khác lại là cảm giác bất lực vì không biết xử lý thế nào cho con thôi khóc. Mình và bạn đang vừa đi vừa trò chuyện cũng bị tiếng khóc của cậu nhỏ làm cho chúng mình cảm thấy bị “làm phiền”, nhưng đáng chú ý hơn vẫn là phản ứng có phần “ngây ngô” của người mẹ trước hành vi của con mình.
Mình cũng đọc một câu chuyện khác thế này trên mạng xã hội: Có một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, gương mặt lam lũ, khổ sở bước vào bên trong cửa hàng tiện ích mua đồ. Nhưng ông ấy đã ở trong đó và đi qua đi lại một gian hàng cho đến tận 30 phút, mà chưa chọn được món hàng nào. Nhân lúc cửa hàng thưa khách, cô nhân viên đã lại gần và hỏi người đàn ông cần trợ giúp gì không, thì mãi một hồi ông mới ấp úng diễn tả được món đồ cần mua. Cô bán hàng khá khó khăn mới hiểu được rằng người đàn ông đó cần mua một gói…. băng vệ sinh! Ông chia sẻ con gái ông đã đến tuổi dậy thì, nhưng người cha lam lũ như ông không biết phải chăm sóc con thế nào, cảnh “gà trống nuôi con” (bố đơn thân) nên cũng khá ngại ngần nếu đề cập vấn đề này với con. Vì vậy, ông đành tự mình ra cửa hàng mua và để sẵn ở phòng ngủ cho con, hy vọng giúp được con một phần nào đó.
Bạn có biết tại sao mình lại chia sẻ hai câu chuyện này đến với bạn, những độc giả thân thuộc của Truly Inspired hong?
Bởi vì, trong nhiều phiên tư vấn với khách hàng, mình đã nhận ra một điều rằng: Có rất nhiều những ba mẹ giống với trường hợp mà mình kể ở trên. Họ đều là những người lần đầu tiên được làm ba mẹ, và thực sự có quá nhiều vấn đề tồn tại bên trong họ!
Với đầy các khó khăn và trải nghiệm mới, có người bước qua nhẹ nhàng do đã được truyền lại kinh nghiệm hoặc đã chuẩn bị kỹ tâm lý, tài chính dài hơi từ trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều những ba mẹ trở thành phụ huynh một cách “bất ngờ”, hoặc chưa thực sự sẵn sàng cho điều thiêng liêng ấy.
Một số ba mẹ khủng hoảng tâm lý hoặc thậm chí trở nên trầm cảm khi lần đầu tiên chăm sóc đứa trẻ con vài tháng tuổi, bởi tiếng khóc mỗi đêm của chúng. Hoặc phải thay nhau thức dậy để pha sữa cho con uống nhiều lần trong đêm, trong khi ngày mai vẫn phải đi làm đúng giờ.
Một số người ba mẹ khác lại cảm thấy áp lực nặng vì chi phí để nuôi nấng một đứa trẻ quá lớn, dù họ đã cố cắt giảm mọi khoản chi tiêu của bản thân và cố gắng kiếm nhiều việc làm để tăng thu nhập, nhưng vẫn không đủ.
Một số khác vì áp lực cuộc sống mưu sinh, hay có khi vì chính bản thân họ cũng chưa hoàn toàn trưởng thành mà đã kết hôn và có con, từ đó khiến cho cuộc sống trở nên bế tắc dần, và dĩ nhiên những đứa con cũng hiếm khi được nhận sự yêu thương, giáo dục chất lượng. Một trong những điều mà mình thường nhìn thấy ở những gia đình như vậy, chính là văn hóa giáo dục có phần áp đặt. Mà giáo dục áp đặt thường có hai trường hợp xảy ra: một là bạn sẽ tạo ra những “chú gà công nghiệp”, hai là “những đứa trẻ nổi loạn”. Nhưng mình tin rằng, bạn sẽ không muốn con cái của mình trở thành bất kỳ ai trong hai sự lựa chọn trên, phải hong?
Cũng có người vì không muốn con lặp lại vết xe đổ của bản thân trong hôn nhân, mong muốn con sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn để về sau không phải vất vả như ba mẹ, nhưng thay vì chọn cách kiên nhẫn giải thích với con thì lại dùng quyền lực và những lời răn đe để khiến con phải nghe theo. Thật tiếc, những đứa trẻ không hề thích điều đó. Vậy nên, gia đình lại xảy ra xào xáo, ồn ào và những chuyện bất hòa cứ diễn tiến liên tục, khiến tất cả đều rơi vào trạng thái mệt mỏi.
Bạn thân mến, điều gì làm lần đầu tiên cũng khó khăn cả, phải hong?
Và mình biết lần đầu làm ba mẹ chính là một trong những thách thức khó khăn nhất mà bạn trải qua trong đời.
Mình biết bạn có rất nhiều những tâm sự, những nỗi lòng, thậm chí là những uất ức khi không tìm được sự thấu hiểu của người bạn đời, hay sự yêu thương, quan tâm từ con cái mình.
Mình biết, bạn không hề cố ý để hình ảnh bản thân trở nên xù gai, xấu xí đến như vậy trong mắt các con.
Mình biết những nỗi vất vả của bạn khi phải làm tăng ca hàng giờ liền, chỉ để con của mình không phải thiếu thốn.
Mình cũng biết có rất nhiều đêm, bạn đã thức trắng vì lo lắng khi con sốt cao, bệnh nặng hay thậm chí đi chơi về muộn.
Mình trân trọng bạn – những người làm cha mẹ đang nỗ lực và cố gắng mỗi ngày để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng bạn của mình ơi,
Nếu một phút giây nào đó bạn thấy mỏi mệt quá, hãy cứ dừng lại nhé!
Hãy dừng lại để biết bạn cũng cần được yêu thương và vỗ về chính bản thân mình
Hãy dừng lại để biết rằng những nỗ lực của bạn đang đúng hay là sai hướng
Hãy dừng lại để có thể hiểu hơn rằng con của bạn có đang cần điều bạn mang đến hay không?
Hãy dừng lại để nhìn thấy rõ hơn chính mình trong chiếc gương nhé! Bạn đã đi một đoạn đường khá xa rồi, hãy dừng lại một chút để nạp năng lượng.
Khi và chỉ khi bạn đủ đầy, bạn chữa lành được chính tâm hồn của mình, thì mới có thể giúp đỡ những đứa con của chúng mình được.
Ba mẹ hạnh phúc tạo nên những đứa con hạnh phúc. Hành trình làm phụ huynh không hề dễ dàng chút nào, nhưng mình tin bạn hoàn toàn có thể làm được những người cha người mẹ tốt. Bạn chỉ cần làm một điều duy nhất mà thôi, đó chính là: hãy trở thành bạn với chúng! Khi làm bạn, cả hai bên sẽ cùng nhau trưởng thành, cùng yêu thương và cùng chia sẻ mọi thứ một cách dễ dàng hơn, bạn nhe!
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!