Skip links

Sắm vai “nạn nhân” – bạn đã từng?

Sắm vai "nạn nhân" - bạn đã từng?

Chào bạn,

Mình rất vui khi gặp lại bạn trong chuyên mục “Câu chuyện của tôi”, và hôm nay mình sẽ mang đến cho bạn bài viết bên dưới, như một sự “tiếp nối” của bài “Sức mạnh nội tâm và những viên đá” trước đó. Ở đây, mình sẽ giải đáp những câu hỏi, đại loại là “Nói thì dễ, làm sao để làm được mới khó?” từ bài viết về sức mạnh nội tâm. 

Câu hỏi này không phải là sự phỏng đoán của mình, mà đó là câu mà mình từng nghe của nhiều người khách hàng, người theo dõi của Truly Inspired. Tất nhiên, trong bài viết đó, mình đã cung cấp giải pháp, tuy nhiên để có thể làm tốt hơn, bạn cần có thêm những “công cụ” khác nữa. 

Bạn thân mến, chúng ta thường cho rằng mình là nạn nhân khi đối mặt với việc bất như ý nào đó, nhưng chúng ta lại quên rằng, chính những điều mình đã làm ở quá khứ đã đẩy bản thân ta vào “vai diễn” nạn nhân. Tại sao mình gọi ví von là “vai diễn”?

Bởi, trong cuộc sống, ai rồi cũng sẽ gặp chuyện khó khăn, điều bất ý; thậm chí có những người gặp chuyện trắc trở giống y chang câu chuyện trong cuộc đời chúng ta. Nhưng, mỗi người sẽ có thái độ và cách giải quyết khác nhau đối với mỗi khó khăn mà bản thân gặp phải. Mỗi người sẽ mang một màu sắc khác nhau, không ai giống ai. Từ đó, sẽ đưa ra những kết quả khác nhau. Tương tự như việc cùng một bộ phim, cùng một nhân vật nhưng mỗi người diễn viên đảm trách khác nhau với gương mặt, sắc vóc và tính cách riêng biệt, sẽ tạo nên đặc trưng cho vai diễn đó. Có người sẽ diễn hơn cả mức đạt, khiến nhân vật trở nên đáng nhớ trong lòng khán giả. Nhưng cũng có người khiến cho vai diễn đó mờ nhạt hẳn đi và không có ai nhớ đến khi bộ phim kết thúc. Vậy nguyên nhân là do đâu, do người diễn viên hay do hình tượng nhân vật gây nên, bạn cũng có thể tự đưa ra câu trả lời chính xác, phải vậy hong?

Quay trở lại câu chuyện “Làm sao để xây dựng được sức mạnh nội tâm” mà nhiều người thắc mắc ở trên. Để thực hiện được, bạn cần có một công cụ đắc lực. Với bản thân mình, công cụ đó chính là: “Tu tập”. Nếu bạn không có bất kỳ tôn giáo nào, thì tu tập nghĩa là tu tâm dưỡng tính để bản thân tốt lên; nếu bạn có theo một tôn giáo nào đó, hãy tìm đến những bài kinh kệ của tôn giáo ấy để tu tập nhe. Mình tin, dù chúng ta có cùng tôn giáo hay không, thì mọi tôn giáo đều mong muốn mang đến những điều thiện lành cho người tu tập. 

Mình sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện của chính mình để bạn thấy được sự thay đổi của bản thân mình trong quá khứ đến hiện tại heng.

Mình từng là một người sống rất lý trí, nếu không thấy sẽ không tin bất kỳ sự việc hay người nào. Ngoài ra, mình còn là một người cố chấp, và luôn tự tin thái quá vào bản thân, tóm lại là ngang bướng và đầy bất chấp. 

Ngày xưa khi còn nhỏ, mặc dù tâm mình không hề xấu nhưng mình rất ngông cuồng, rất tự tin; cho nên trong một vài trường hợp đã tự đưa bản thân vào vai “nạn nhân” và tìm cách đổ lỗi. Cho đến khi biến cố lớn xảy ra với người thương của mình, mình không còn “bấu víu” vào nơi nào được nữa để có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp. Khi đó, mình tìm đến con đường tu tập, nương nhờ vào tha lực của Phật Pháp để cầu nguyện cho người thương, rồi cho chính cuộc đời của mình. 

Đầu tiên, mình học cách nghe kinh kệ và các bài thuyết pháp của những bậc thầy cao quý. Mình đã nghe đi nghe lại, và đọc nhiều đến mức nằm lòng rất nhiều bài kinh hay, và hổng biết tự bao giờ, những lời hay ý đẹp của những bài giảng, bài kinh ấy đã ngấm sâu vào con người mình, khiến mình luôn muốn hướng đến những điều tốt đẹp cho bản thân và cho người khác, một cách rất tự nhiên không hề khiên cưỡng. 

Tu tập không phải là phép màu giúp chúng ta thay đổi ngay được hoàn cảnh hiện tại. Tu tập là cách giúp ta dần sửa được những lỗi lầm không tốt của bản thân, mỗi ngày một chút, luôn quán chiếu và soi xét lại chính mình, dù là việc nhỏ nhất. Khi đã soi xét được từng việc, mình sẽ hiểu được lý do tại sao điều bất ý lại xảy đến với mình vào thời điểm đó, khiến cho bản thân bị hiểu lầm và vướng vào thế “nạn nhân” như vậy.

Nếu ai đó hỏi mình, tu tập như vậy thì có làm sai việc gì không? Có chứ.  Từ 10 năm trước mình bắt đầu tu tập, khi đó mình dần dần sửa được rất nhiều những lỗi không tốt ở bản thân. Mỗi ngày một chút, quan trọng là mình có sự cố gắng thì mình sẽ làm được. 

Từ việc tu tập, mình tìm thấy phiên bản tốt hơn của bản thân mình so với ngày xưa. Mình luôn ý thức hoàn thiện bản thân mỗi ngày, dù đã hơn 10 năm tu tập, nhưng mình vẫn luôn thấy bản thân mình vẫn rất nhỏ bé và còn nhiều thiếu sót, nên mình luôn cố gắng trau dồi, học hỏi nhiều hơn những kiến thức hữu ích. Và bạn thấy đó, tu tập đã giúp mình trở thành phiên bản như ngày hôm nay!

Chúng ta thường cho bản thân là “nạn nhân” khi đối mặt với việc bất như ý, nhưng chúng ta lại quên rằng chính những việc ta làm trong quá khứ đã đẩy chúng ta đến với việc bất như ý ở hiện tại.

Khi đứng trước sự việc nào đó không như mong muốn, điều đầu tiên mình làm đó là quán chiếu (soi xét lại) những việc đã xảy ra với bản thân mình. Chỉ cần nhìn thấy một chút lỗi nhỏ hay sự bướng bỉnh của bản thân ở một thời điểm nào đó, khiến cho mình bị hiểu lầm và đẩy bản thân vào thế “nạn nhân”, mình ngay lập tức ý thức được rằng mình không có quyền trách cứ ai cả. 

Mình thường đặt câu hỏi cho bản thân “Tại sao chuyện này lại xảy ra. Có hành động nào của bản thân đã sai trong trường hợp đó không?”. Nếu có một chút thôi, mình cũng sẽ nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết mà không hề đổ lỗi. Sai chỗ nào, sửa chỗ đó với tinh thần tiếp nhận một cách tích cực, cởi mở. Nhiều lần thực tập việc này, dần dần mình không còn tâm lý “nạn nhân” nữa.

Tuy nhiên, bạn thân mến, không phải lúc nào chúng ta cũng là người có lỗi. Sẽ luôn có một số trường hợp, bản thân bạn không làm gì sai cả, lỗi lầm là do người khác gây ra. Nhưng, bạn lại được khuyên rằng phải tha thứ cho người gây ra lỗi đó, và không được nghĩ rằng mình là “nạn nhân” trong câu chuyện, để có quyền oán trách người làm sai kia. Điều này đi ngược lại với tâm lý bình thường của chúng ta, là: ai làm sai thì mình phải trách chứ, phải hong?

Vậy, làm sao để đối mặt và giải quyết tâm lý hờn trách của bản thân, khi người khác gây ra lỗi? Mình xin chia sẻ thêm quan điểm cá nhân và cũng là cách mà mình luôn áp dụng cho chính mình trong đời sống hằng ngày, heng.

Trước tiên, mình luôn cố gắng hết sức có thể để giảm bớt rủi ro điều bất ý xảy đến trong cuộc sống. Vậy nên, khi một việc nào đó xảy ra, mình sẽ tích cực hơn khi nhìn nhận vấn đề. Nếu có vị “sứ giả” phản diện nào xuất hiện trong câu chuyện, khiến mình bị tổn thương hay gây ra rắc rối, thay vì buông lời trách móc vội vã, thì mình sẽ cảm ơn họ. 

Thực sự, tu tập đã giúp mình tỉnh thức, giúp mình nhìn nhận rõ vấn đề một cách thấu đáo hơn, cũng như giúp mình vượt qua những sóng gió do người khác mang đến mà không phải đổ lỗi hay làm lớn chuyện lên như mình của ngày xưa. Bởi mình biết rằng, những sứ giả phản diện ấy đến là để rèn giũa cho nội tâm của mình mạnh mẽ hơn. Bạn biết hong, sức mạnh nội tại của bạn sẽ được chứng thực, bức tường nội tâm của bạn sẽ được vững chãi hơn khi bản thân đi qua được những sóng gió trong đời, mà không hề oán trách bất kỳ người nào, dù chỉ nửa lời. 

Mình cũng tin rằng không chỉ có kinh kệ trong đạo Phật, mà mọi tôn giáo chính thống khác cũng đều muốn hướng con người đến điều tốt đẹp và thiện lành với các giáo lý, điều răn của tôn giáo ấy. Việc của bạn chỉ là tập trung học tập và thực thi những đạo lý đó cho mỗi hành động, thái độ với mọi việc xung quanh. Còn nếu bạn không theo bất kỳ tôn giáo nào, bạn có thể học cách tu tâm dưỡng tính như mình đã nói ở trên, nghe và làm theo những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Giống như một câu nói bên nhà Phật rất hay mà thầy mình đã từng giảng: Hãy tập sống như hạnh của một đứa trẻ, có thể buồn có thể cãi nhau, nhưng rồi có thể quay qua vui vẻ trở lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Nếu chọn sống với tâm tính của một đứa trẻ như vậy, cũng tốt mà, bạn heng!

Khi thực sự hiểu được nhân – quả trong đời sống hằng ngày. Rằng một việc nào đó xảy ra hôm nay đều được “ươm mầm” từ một hành động nào đó trong quá khứ. Hay bạn có thể hiểu theo cách là, bất kỳ điều gì bạn xây dựng hôm nay đều sẽ nhận lại kết quả tương ứng vào một ngày nào đó ở tương lai. Vì vậy, việc tu tập, đọc những lời kinh, lời giảng dạy mỗi ngày là một cách “thao túng tâm lý” cho chính bản thân mình. Dần dần, chúng ta sẽ được hoàn thiện con người mình. Khi bản thân thực sự “vỡ lẽ”, bạn sẽ rất dễ dàng tha thứ cho người khác và bất kỳ lúc nào đứng trước nghịch cảnh, chúng ta đều sẽ vững vàng đối diện để vượt qua chúng một cách thuận lợi hơn. Đây chính là lý do có mình của ngày hôm nay, như bạn thấy đó!

Để mình chia sẻ thêm một trải nghiệm khác của chính mình trong việc xây dựng sức mạnh nội tâm, mà mình mong rằng câu chuyện sẽ giúp bạn thêm vững vàng và dần thực tập thay đổi bản thân tốt hơn.

Khi bước vào con đường tu tập, bản thân mình may mắn khi được nhiều người thầy người cô tài Đức dẫn dắt, vì vậy mình cũng luôn mong muốn lan tỏa niệm lành đến những người đủ duyên để mình tiếp nối hành trình chia sẻ này.

Một lần nọ, mình trò chuyện với người chị khác tôn giáo với mình. Mình thực sự rất quý trọng con người và việc tu tập miên mật thường xuyên của chị ấy. Tuy nhiên, trong một vài khoảnh khắc, người chị đã nói chuyện không tôn trọng về tôn giáo của mình, mình im lặng. Nếu là bản thân của nhiều năm về trước có lẽ mình đã bất mãn, và thẳng thắn phê bình chị ấy rồi cắt liên lạc. Tuy nhiên, khi tu tập đủ nhiều, mình đã dùng tình thương để thấu hiểu vấn đề, và không bao giờ phán xét người khác. Và mình cũng không buồn hay trách chị ấy, vì mình hiểu, khi con người ta tu tập đủ lâu và dành sự tín tâm lớn cho tôn giáo, thì tự nhiên sẽ bật chế độ bảo vệ tôn giáo của mình một cách rất tự động. Điều đó xuất phát từ tình thương, tuy nhiên sự bảo vệ đó vô tình làm mất đi những điều tinh tế khác, và khiến bản thân chị chưa được tỉnh táo khi nói về tôn giáo khác. Mình hiểu, nếu chị đủ sự tỉnh thức thì sẽ không bao giờ báng bổ bất kỳ tín ngưỡng, tôn giáo của bất kỳ ai. 

Vì vậy, bạn ơi, hãy luôn chậm lại một phút thôi, để quán chiếu, soi xét xem bản thân mình có phải là nguyên nhân một cách vô tình/cố tình tạo nên một tác động khiến người khác tổn thương, hoặc hiểu lầm để họ biến mình thành “nạn nhân” trong tương lai hay không nhé? 

Nếu có, dù chỉ là một chút nhỏ thôi, thì cũng hãy nhận trách nhiệm về hành động của mình, bạn ạ. Bởi hành động nhỏ đó thôi nhưng có thể sẽ đưa câu chuyện đi rất xa và thậm chí để lại hậu quả nặng nề. Đừng oán trách bất kỳ ai để cho rằng người khác đang cố tình làm tổn thương mình. Hãy đối diện với vấn đề và nhìn nhận ra bài học, giá trị cho bản thân ở thời điểm đó.

Khi viết đến đây, mình chợt nhớ lại một câu nói rất hay, mình đọc được trong cuốn sách ”Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong:
“Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Mà nhân quả là bản hướng dẫn chỉ đường giúp bạn tìm về thiện lương”.

Hãy đối mặt với khó khăn bằng sự tỉnh thức, soi chiếu chúng bằng chính nội tâm của mình, đừng biến bản thân trở thành “nạn nhân” như cách người khác đặt vai diễn đó lên cuộc đời của chúng ta. Bời vì, dù là vai diễn thôi, nhưng chúng ta sẽ có hai cách, một là chúng ta đắm chìm sâu vào vai diễn nạn nhân đó, để cho những “đạo diễn” mặc sức chỉ đạo, hay, mình sẽ diễn vai diễn đó với cảm xúc của chính bản thân mình. Hãy là “diễn viên” chuyên nghiệp để lột tả được vai diễn một cách xuất sắc nhất trong những nhân vật khó khăn, bạn nhé!

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired