Để con không cô đơn trên hành trình trờ thành người lớn
- Ba mẹ chẳng hiểu gì về con cả. Ba mẹ chỉ muốn con làm theo ý ba mẹ thôi!
- Sao ba mẹ lại không hiểu con? Ba mẹ nói con làm vậy là muốn tốt cho con.
- Nhưng con không cần, con không thích. Ba mẹ có hiểu điều ấy không?
Vô tình chứng kiến cuộc nói chuyện trong gia đình của một người quen, mình thấy vấn đề mà nhiều cha mẹ đang mắc phải là chưa thật sự lắng nghe để thấu hiểu con mình. Mà những bạn trẻ ở tuổi dậy thì với nhiều thay đổi trong tâm sinh lý, lại rất nhạy cảm và thường có xu hướng nổi loạn. Vậy nên, để con bước qua độ tuổi này, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, giáo dục và đồng hành cùng con.
Những thay đổi tâm sinh lý thường gặp ở tuổi dậy thì
Bước vào độ tuổi “ẩm ương”, các đặc điểm tâm sinh lý của con thay đổi nhiều. Con có thể tò mò, hào hứng nhưng cũng có thể thấy lạ lẫm, tự ti, muốn che giấu. Không nhiều bạn trẻ ở tuổi này chọn chia sẻ các vấn đề của mình với ba mẹ. Các bạn thường sẽ tâm sự với bạn bè, những người cũng đang trải qua các thay đổi tương tự, hoặc sẽ tự mình tìm hiểu trên Internet.
Các hormone tăng trưởng và hormone sinh dục tác động đến chiều cao, cân nặng và các đặc tính sinh dục thứ cấp ở cả hai giới. Sự phát triển về vóc dáng, gương mặt dễ dàng nhìn thấy được. Các con bắt đầu có mụn, mọc râu ở nam hoặc tăng kích thước ngực ở nữ. Tuy nhiên, chúng thường không ảnh hưởng tới tâm lý con quá nhiều. Các bạn tuổi teen thường cảm thấy lo lắng về những thay đổi liên quan tới bộ phận sinh dục. Như là mọc lông ở vùng nhạy cảm, lần đầu xuất hiện kinh nguyệt, phát triển kích thước cơ quan sinh dục ở nam giới.
Song song đó, tuổi teen có xu hướng muốn nổi loạn, thường xuyên bất đồng với ba mẹ do cảm thấy không được người lớn thấu hiểu. Con quan tâm nhiều hơn tới hình ảnh cơ thể của mình, khao khát được độc lập đưa ra các quyết định, chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè mà con tiếp xúc và có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức.
Ba mẹ cần để ý tới những thay đổi tâm sinh lý của con để giải thích cho con hiểu đó là những dấu hiệu bình thường khi con đang dần trở thành một người lớn. Đồng thời có thể kịp thời giúp đỡ vào những lúc con cần người để chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ.
Cha mẹ nên làm gì để cùng con đi qua giai đoạn dậy thì?
Ví như giai đoạn từ khi còn là bé sơ sinh cho đến khi 5 tuổi, con rất cần ba mẹ chăm bón từng bữa ăn, giấc ngủ; từ 5-10 tuổi các con rất cần sự kề cận hướng dẫn của cha mẹ để dần bước vào cuộc sống một cách thực thụ, bắt đầu hình thành những thói quen chăm sóc cho chính mình. Từ sau 12 tuổi trở lên, đây là giai đoạn rất quan trọng và nhạy cảm đối với các con. Bởi lúc này đã có những em bé bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì. Con rất cần sự đồng hành của cha mẹ, để chuẩn bị tâm lý vững vàng và trang bị kiến thức cần thiết. Nếu không được quan tâm, con sẽ cảm thấy cô đơn, ngày càng xa lánh với ba mẹ và tệ hơn là có những suy nghĩ, hành động lệch lạc do tò mò hoặc thiếu hiểu biết.
Theo báo cáo Adolescent pregnancy của WHO trong tháng 9 năm 2022, mỗi năm ước tính khoảng 21 triệu bé gái từ 15-19 tuổi ở các nước đang phát triển mang thai, khoảng 12 triệu trong số đó đã sinh con.
Những con số này phản ánh thực trạng đau lòng là các con không nhận được sự giáo dục đầy đủ về cơ thể và tình dục. Do đó, các con không biết cách bảo vệ bản thân và phòng tránh thai an toàn. Điều này cũng lý giải vì sao vẫn tồn tại tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên. Nhất là tại các nước đang hoặc chưa phát triển.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức về tuổi dậy thì và áp dụng với tư duy cởi mở
Để cùng con trải qua giai đoạn dậy thì, trước tiên ba mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Hơn nữa, người lớn cũng cần thường xuyên quan tâm tới những thay đổi của con. Và tất nhiên, nên giữ một tư duy cởi mở để có thể cùng con trò chuyện về những vấn đề nhạy cảm của lứa tuổi. Hãy quan sát, lắng nghe và hướng dẫn con. Đừng mặc kệ, phán xét hay bắt buộc con phải làm gì đó theo ý ba mẹ. Sự tôn trọng dành cho con cực kỳ quan trọng. Hãy cố gắng vừa làm cha mẹ vừa làm bạn với con. Như vậy, con sẽ thoải mái hơn trong việc chia sẻ các vấn đề của mình với ba mẹ.
Bạn có nhớ trước khi trở thành người lớn, chúng ta đều là những đứa trẻ cũng bước qua tuổi dậy thì rồi mới trở thành cha mẹ không?
Mình nhớ mình đã lo lắng như thế nào trong lần đầu tiên “rụng dâu” (chu kỳ kinh nguyệt). Mặc dù đã được biết tới kinh nguyệt qua môn học ở trường nhưng khi ấy, người lớn trong nhà vẫn thường ngại đề cập tới những vấn đề về sinh lý. Mình đã phải loay hoay trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên của mình vì không đủ hiểu biết.
Nhưng nhờ việc hiểu về tuổi dậy thì, nên ngay khi con gái bước vào độ tuổi này, mình đã giải thích với con rằng kinh nguyệt là hiện tượng bình thường giúp con hoàn thiện cơ thể. Những hiện tượng như đau bụng, nổi nhiều mụn, khí hư, ngứa ngáy bộ phận sinh dục hay dễ nổi nóng, thích ăn ngọt đều không phải vấn đề gì nghiêm trọng. Con không cần ngạc nhiên hay xấu hổ khi chúng xuất hiện.
Mình thường chia sẻ với con về những kinh nghiệm mình đã trải qua mỗi khi đến chu kỳ, cho con hiểu những triệu chứng khi đến ngày hành kinh là chuyện hết sức bình thường. Mình cũng sẽ cho con lời khuyên, nhắc nhở con giữ vệ sinh vùng kín và khi cần, con có thể sử dụng thuốc giảm đau để bớt khó chịu ở vùng bụng.
Ba mẹ sẽ khó lòng giúp đỡ con nếu không hiểu về đặc điểm của độ tuổi và những vấn đề con đang gặp phải. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có đủ kiến thức về tuổi dậy thì để đồng hành cùng con.
Xây dựng văn hóa chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình
Việc thường xuyên chia sẻ với nhau đã trở thành một nét văn hóa trong gia đình chúng mình. Đây cũng là cách kết nối mối quan hệ giữa mọi người trong nhà, giữa cha mẹ và con cái trở nên thân thiết hơn như những người bạn. Trong nhà, dường như không có khoảng cách giữa cha mẹ và con cái bởi vì chúng mình sẽ thường có những cuộc nói chuyện có mặt cả ba người. Mình muốn con hiểu được rằng cả ba hay mẹ đều có thể tâm sự và thấu hiểu con, con không nhất thiết phải chọn ba hoặc chọn mẹ, cả hai đều là những người bạn mà con có thể tin tưởng và trải lòng. Mình nhận thấy rằng khi trò chuyện với ba, con sẽ được củng cố thêm những tư duy, tình cảm rõ ràng hơn về những người bạn khác giới trên lớp, đặc biệt khi con đã ở độ tuổi dậy thì.
Mình nhận thấy văn hoá gia đình rất quan trọng trong việc hình thành tư duy và cách sống của mỗi cá nhân. Những đứa trẻ được ba mẹ đồng hành bao giờ cũng tự tin hơn. Do đó, chúng mình luôn duy trì sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, qua các hoạt động thường ngày. Có thể là trò chuyện cùng nhau trong bữa ăn hoặc khi đi dạo. Cũng có thể là những cuộc nói chuyện ngắn trước giờ ngủ. Chúng mình cố gắng làm bạn với con, lắng nghe và trao đổi cùng con những vấn đề con gặp phải. Dù sao chúng mình cũng đều đã trải qua giai đoạn ấy, nên hiểu được những vấn đề mà con đang đối mặt ở tuổi dậy thì.
Ở tuổi dậy thì, dù con gái hay con trai cũng sẽ có khả năng xuất hiện những suy nghĩ và hành động lệch lạc như nhau. Nguyên nhân cũng bởi những tò mò về giới tính ngày càng lớn hơn. Khi con mọc lông và bắt đầu có sự thay đổi về cơ thể thì cũng sẽ xuất hiện các ham muốn tình dục. Ở giai đoạn này, ba mẹ cần có sự quan sát chú ý và có những lời khuyên kịp thời. Ba mẹ nên cho các con biết những biểu hiện đó là hoàn toàn bình thường vào độ tuổi của con. Hơn nữa, cũng cần dạy con hiểu cơ thể mình, để con không vì những tò mò giới tính mà làm ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của con, cũng như cho con biết thế nào là tình dục an toàn.
Nhiều bạn khi bước vào tuổi dậy thì thường tìm tới sách báo hoặc xem phim người lớn. Một phần vì tò mò, một phần muốn giải quyết nhu cầu sinh lý. Để tránh trường hợp này, ba mẹ hoàn toàn có thể chủ động trò chuyện với con. Khi con đã hiểu rõ về cơ thể mình hơn, con sẽ không cần tìm đến những sách báo, phim ảnh đồi trụy nữa.
Cha mẹ cần tôn trọng xu hướng giới tính của con
Nhiều bậc cha mẹ quá coi trọng việc con phải sống đúng với giới tính tự nhiên của mình. Bất chấp điều đó có thể khiến con mệt mỏi và tổn thương.
Ngày nay, xã hội đã cởi mở và tôn trọng hơn với những người thuộc cộng đồng LGBT. Ba mẹ vì thế cũng không nên đánh giá hay ép buộc xu hướng tính dục của con. Cho dù con có những biểu hiện thuộc về LGBT thì ba mẹ vẫn nên là người đồng hành và chia sẻ cùng con. Vì khi đó, con dễ bị bạn bè, người ngoài trêu chọc, hay con dễ rơi vào tình trạng xa lánh mọi người xung quanh, bởi con thấy bản thân mình không giống như người bình thường khác. Nếu cả ba mẹ cũng không tôn trọng giới tính mà con mong muốn, thì con sẽ cảm thấy mọi chuyện tồi tệ. Ba mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu rằng, LGBT là một xu hướng tính dục bình thường. Điều ba mẹ luôn mong muốn là con được khỏe mạnh, hạnh phúc với chính sự lựa chọn của con.
Mình nhớ mãi câu chuyện trong bộ phim Cô gái Đan Mạch. Khuôn mặt hạnh phúc của chàng họa sĩ Einar Wegener khi mặc lên mình bộ váy xinh đẹp, hay vẻ bẽn lẽn khi chàng hóa thân thành Lili Elbe để hẹn hò với chàng trai trong mộng.
Chính từ lúc đó, mình hiểu rằng việc một người được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn có ý nghĩa lớn thế nào. Mình cũng tin rằng, sự ủng hộ của ba mẹ sẽ tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho con. Như cách mà cô vợ Gerda Wegener đã luôn đồng hành với Einar, ngay cả khi điều ấy làm cô mất đi “người chồng” của mình.
Con cái nên mở lòng với cha mẹ để được giúp đỡ trong tuổi dậy thì
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan hệ hai chiều. Bước vào tuổi dậy thì, không chỉ có ba mẹ cần quan tâm tới con mà bản thân con cũng cần chủ động chia sẻ với ba mẹ những vấn đề của mình.
Tâm lý của các con khi dậy thì thường tự cảm thấy xa cách với ba mẹ. Con dễ thấy xấu hổ nên thường không dám hoặc không muốn nói với ba mẹ những vấn đề của mình, nhưng đó không phải là việc nên làm. Con hoàn toàn có thể tin tưởng ba mẹ, cho ba mẹ biết con đang thắc mắc gì hay đang cần hỗ trợ gì. Con được quyền hỏi ba mẹ những điều con chưa biết. Ba mẹ sẽ luôn sẵn lòng để giúp đỡ con.
Nếu con thấy cơ thể mình đang thay đổi và điều ấy khiến con lo lắng. Nếu con tò mò về sự phát triển khác lạ của các bộ phận nhạy cảm. Nếu con muốn biết về tình dục an toàn. Nếu con thấy mình mong muốn được mang giới tính khác với hiện tại… Con đều có thể nói với ba mẹ vì đó là ba mẹ của con. Ba mẹ luôn ở bên để hỗ trợ con trong cuộc sống.
Các ba mẹ ơi, khi bạn nghe thấy những thỉnh cầu này của con, hãy quay lại với những giải pháp được đưa ra ở phần trên. Đừng phớt lờ con, vì con thật sự rất cần bạn.
Tuổi dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Dù vậy, nhiều bạn trẻ không nhận được quan tâm hay đồng hành của ba mẹ vào lúc này. Điều ấy có thể làm cho các bạn cảm thấy mình cô độc, tự ti, khác lạ, tủi thân; thậm chí có thể đẩy con đi đến một “thế giới tình dục khác” – nơi mà con có thể sẽ có cư xử sai lệch với giới tính của mình và người khác. Tệ hơn là khiến các bạn nghĩ ba mẹ không cần mình, không hiểu mình. Để tránh tình trạng này, ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con, hỗ trợ và hướng dẫn con để con có tuổi vị thành niên lành mạnh, được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết và tự tin phát triển một cách tự nhiên.
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!