Hãy làm, đừng chỉ nói
Children are natural mimics who act like their parents despite every effort to teach them good manners – Trẻ con là những “kẻ bắt chước bẩm sinh” hành động giống như việc cha mẹ mình bất chấp mọi nỗ lực để dạy chúng cách xử thế – Trích Khuyết danh.
Trong suốt quá trình tư vấn và trò chuyện cùng các khách hàng là những bậc phụ huynh, mình thường hay nhắc đến đại ý của câu nói trên mỗi khi nghe bất kỳ cha/mẹ than phiền về việc con cái không nghe lời dạy bảo của họ.
Sau nhiều lần lắng nghe các trò chuyện đó và đưa ra giải pháp, mình đã có thể kết luận một số kiểu ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái như thế này:
Một là, cha mẹ có lối sống bừa bộn thì những đứa con cũng sẽ không thể ngăn nắp.
Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách thử xem xét chính ngôi nhà mình đang ở hoặc tìm đến nhà một người quen, người bạn nào đó và xem cách bày trí đồ đạc ở đó ra sao. Hoặc, nếu bạn đang sống chung với một người bạn cùng phòng nào đó cũng có thể nhìn thấy nề nếp gia đình của người đó, thông qua cách mà họ vận hành và sắp xếp mọi thứ xung quanh nơi đang ở.
Thêm một sự thật thú vị nữa mà nếu để ý, bạn sẽ luôn thấy được rằng: ở trong những gia đình có nhiều đồ đạc lộn xộn đè lên nhau, thì thường luôn có tiếng la mắng của cha mẹ dành cho những đứa con của mình. Họ sẽ luôn quát tháo, luôn yêu cầu con mình phải gọn gàng, sạch sẽ, để đồ đúng nơi quy định. Tuy nhiên, chính bản thân họ lại là người vứt đồ đạc lung tung, giày dép để đầy lối ra vào, quần áo chồng chất lên nhau khắp nơi. Và chu kỳ la mắng, nháo nhào, càm ràm không yên ấy sẽ thường xuyên lặp lại vào mỗi buổi sáng, cũng như mỗi buổi tối khi đầy đủ thành viên có mặt ở nhà.
Hai là, cha mẹ biết cân bằng cuộc sống sẽ dạy những đứa con biết sống theo kỷ luật.
Một gia đình người bạn mà mình biết thường xảy ra tình huống như thế này: mỗi ngày trôi qua người mẹ luôn yêu cầu người con trai của mình đi ngủ lúc 9h tối và thức dậy lúc 6h sáng hôm sau cùng với cả nhà. Và thói quen này được người mẹ yêu cầu từ lúc cậu học cấp hai cho đến khi vào cấp ba. Cậu con trai rất không thích việc bị người mẹ quản thúc giấc ngủ sinh hoạt của mình, bởi vì, trong suốt những năm tháng ấy cậu không được xem bộ phim mình thích, và ngay cả buổi sáng cuối tuần cũng không được ngủ ráng thêm một giây phút nào. Đang trong độ tuổi dậy thì, ăn nhiều ngủ nhiều, cậu lại bị người mẹ cho vào khuôn phép “quân đội”, khiến cho cậu cảm thấy rất bức bối và tức giận nhiều phen.
Tuy nhiên, khi cậu con trai lên đại học, trong khi chúng bạn bắt đầu đảo lộn giờ giấc, ăn uống chểnh mảng, thức khuya, sử dụng các chất kích thích vào cơ thể, đến khi mỗi sáng thức dậy lên giảng đường đều là đôi mắt thâm quầng, dáng vẻ mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài, thì khi đó, cậu mới thực sự hiểu ra ý nghĩa đích thực của hành động đi ngủ sớm cùng cha mẹ suốt thời gian trước đó. Cậu thỉnh thoảng vẫn tham gia các cuộc vui cùng bạn bè, nhưng không nhiều và không để chúng ảnh hưởng đến thành tích học tập cũng như hiệu quả khi tham gia các hoạt động chung. Sau này, cậu ấy đã tốt nghiệp với thành tích xuất sắc và được nhà tuyển dụng mời về làm việc khi vẫn chưa rời khỏi giảng đường.
Đó là kết quả của sự kỷ luật từ giờ giấc sinh hoạt mà người mẹ của cậu đã thiết lập từ nhiều năm trước đó, để tạo nên một “chiến binh” biết trân trọng chính bản thân, sức khoẻ và tương lai của mình ở hiện tại và mai sau.
Ba là, những đứa trẻ hạnh phúc sẽ sinh trưởng trong các gia đình luôn ngập tràn tình yêu thương, tiếng cười; và ngược lại.
Dạo trước, mình đọc được câu nói rất hay như thế này của chuyên gia tâm thần học Alfred Adler: “Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh dùng cả đời để chữa lành tuổi thơ”. Điều này có nghĩa là khi bạn sinh ra và nuôi dưỡng một đứa trẻ cùng với tình yêu vô điều kiện, luôn dìu dắt chỉ bảo và mang mọi thứ đến cho con bằng sự bao dung, nhẹ nhàng, ôm ấp. Chắc chắn rằng khi lớn lên, con của bạn sẽ sống hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn và chúng cũng sẽ dùng lăng kính của một người hạnh phúc đủ đầy đó, để đối xử và sẻ chia với những người xung quanh.
Trong khi đó, nếu đứa trẻ sinh ra và được nuôi dưỡng bởi những đòn roi, sự tức giận, những lời mắng nhiếc và xem thường mỗi ngày từ cha mẹ, khi lớn lên, con cũng có xu hướng sử dụng bạo lực bằng lời nói hoặc hành động. Nếu không như vậy, con cũng có thể rơi vào trường hợp nhút nhát, sợ hãi, e dè và không tự tin với thế giới xung quanh. Ở hai tình huống đó, dù là cái nào thì rõ ràng đứa trẻ ấy cũng sẽ thật bất hạnh, vì rất khó để có thể cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc trong đời, bởi những vết thương vẫn còn bám rễ nơi tâm hồn của chúng.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng xoá, bạn muốn viết gì lên đó thì chúng cũng sẽ theo con đi đến hết cuộc đời, dù vết mực ấy màu hồng hay màu xám. Vì thế, việc mà bạn làm, lời mà bạn nói, cử chỉ ánh mắt và những hành xử của bạn với con, với người xung quanh mỗi ngày cũng chính là hình ảnh về chất lượng cuộc sống của con sau này. Hãy nhớ nhé, bạn của tôi.
Chúng ta – những bậc làm cha làm mẹ có thể không phải là người xuất chúng, có thể không là những thiên tài; nhưng chí ít con cái chúng ta vẫn luôn có cơ hội để có thể trở thành một phiên bản tuyệt vời nào đó, mà bạn sẽ rất tự hào khi nghĩ về.
Nhưng, để con có thể trở nên như thế, bạn hãy là tấm gương nhé.
Bạn cũng không cần phải sử dụng quyền uy trong hành động
Bạn hãy cứ là bạn thôi với tất cả những nhẹ nhàng, thấu hiểu, từ tốn và đầy yêu thương, rồi con của bạn sẽ sớm có một cuộc đời tuyệt vời, bạn nhé.
Please, show – don’t tell.
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!