Tại sao cha mẹ cần tỉnh thức khi nuôi dạy con cái?
Theo bạn, một gia đình trọn vẹn đầy đủ ba mẹ và một gia đình trải qua đổ vỡ, rạn nứt thì bên nào sẽ nuôi dạy những đứa con một cách tỉnh thức hơn?
Một số người quan niệm rằng, gia đình có đầy đủ cha mẹ, thì sẽ dễ có sự đồng điệu trong cách dạy con, và những đứa trẻ lớn lên trong gia đình trọn vẹn sẽ dễ dàng dạy bảo hơn. Tuy nhiên, đối với mình, dù hai kiểu gia đình khác nhau nhưng ở vai trò cha, mẹ họ cũng sẽ có không ít lần lặp lại những lỗi này, dù rất thương con, đó là: thiếu sự tỉnh thức khi đồng hành cùng con.
Ví dụ bên dưới đây, là một trong những trường hợp mà mình được chứng kiến tường tận, mình quyết định sẽ chia sẻ lại nó để bạn – những bậc làm cha làm mẹ, dù đang có gia đình hoàn hảo hay không, cũng hãy cùng đọc và chiêm nghiệm nhé!
Một gia đình người bạn mà mình quen biết, có cậu con trai ở tuổi vị thành niên sống khá khép kín, hầu như không có một người bạn nào thật sự thân thiết với cậu. Ba mẹ (thực ra là ba ruột và mẹ kế) rất lo lắng khi thấy cậu như vậy, họ khuyến khích cậu bé hãy đi chơi với bạn nhiều hơn, rủ bạn đi đâu đó hoặc đến nhà và ăn uống vui vẻ. Nhưng tuyệt nhiên không có ai đi chung hay đến nhà chơi cùng cậu. Nếu có, thì cũng chỉ có 1-2 lần cậu đi chơi với nhóm bạn nào đó trong suốt nhiều năm học trung học. Nhận ra có nhiều điều không ổn ở cách sống của con trai, trong một lần ba mẹ đi xem cậu tập diễn kịch, cả hai người đã rất hỗ trợ cậu trong việc mua đồ ăn thức uống cho các bạn trong nhóm kịch. Với mong muốn có thể kéo mối quan hệ của con và những người bạn đến gần nhau hơn một chút.
Khi buổi diễn kết thúc, ba mẹ đề nghị cậu mời những người bạn trong nhóm đến nhà để cùng nhau ăn một bữa. Cậu cũng rất vui mừng vì lời đề nghị của ba mẹ nhưng rất tiếc, không một ai đồng ý lời mời ấy mặc dù khi tập cùng nhau, mọi thành viên của nhóm đều có sự tương hỗ và tôn trọng, không có biểu hiện gì là xích mích hay quá quắt với nhau.
Dù rất muốn tìm hiểu chuyện gì xảy ra khi nhìn thấy cậu bé con suốt ngày nhốt mình trong phòng và rất hiếm khi giao du với ai, nhưng vì tôn trọng và cũng để quan sát thêm, nên ba mẹ chưa chọn cách cùng cậu đối thoại. Thế rồi, một ngày nọ, trong lúc dọn dẹp lại căn phòng cho con, ba mẹ đã phát hiện ra một sự thật: con của họ đã cất giữ khá nhiều những bức ảnh về tình dục của LGBT.
Một vài ngày sau đó, cả hai người ba mẹ đều chọn cách cùng cậu trò chuyện nghiêm túc về vấn đề này. Khi được hỏi, thì cậu bé ấy vẫn một mực nói rằng lớn lên mình sẽ lấy vợ giống như những người khác.
Ba mẹ cậu vẫn tiếp tục đặt câu hỏi tại sao thì cậu đã nói rằng: “Để con được giống như những người-bình-thường-khác!”. Cậu không muốn bản thân trở nên khác biệt, hay nói cách khác là trở nên dị biệt trong mắt mọi người. Bởi suy nghĩ này của cậu làm cho ba và mẹ kế thêm lo lắng, vì thế muốn cùng chia sẻ vấn đề này với mẹ ruột của cậu để tìm cách giúp đỡ con. Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn nữa, đó là mẹ ruột của cậu không chấp nhận việc con mình là một LGBT!
Bà đã xem xu hướng tính dục của con mình là điều gì đó sai trái, và liên tục khiến cho chính cậu bé cảm thấy bản thân cậu cũng sai trái khi cho phép mình là một LGBT. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh cậu, khiến cậu chối bỏ cảm xúc thật bên trong, khiến cậu càng không đủ tự tin để sống thật và thể hiện đúng bản chất của con người mình.
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện cứ tiếp tục theo chiều hướng mẹ ruột luôn nói về việc sẽ tìm cho cậu căn hộ riêng, mua xe hơi, đầy đủ mọi thứ tiện nghi sau khi ra trường. Chính điều đó khiến cậu không còn tập trung vào việc học, các thầy cô giáo cũng không đồng tình với vấn đề này. Cậu được dạy rằng, nếu cậu nghe lời mẹ ruột thì sẽ có tất cả mà không cần phải làm gì hết.
Bạn hãy nghĩ xem, đối với một đứa trẻ đang trong độ tuổi teen đầy mộng mơ và hoài bão, nhưng lại được “bao bọc” và “bảo vệ” trong vòng tròn quá an toàn, dĩ nhiên cậu bé làm sao muốn bước ra khỏi vòng tròn ấy, phải không?
Vậy là, cậu quyết định trở về sống với người mẹ ruột, dù trước đây cậu chọn ở cùng ba và mẹ kế. Bởi mẹ của cậu nói rằng: “Mẹ luôn ở đây chăm sóc, lo lắng cho con bất kỳ lúc nào. Mẹ có thể làm mọi thứ cho con, sẽ cho con tất cả những gì tốt nhất”
Một đứa trẻ vị thành niên khi nghe được những thứ “quyến rũ” cho tương lai, dĩ nhiên cậu cũng sẽ tạm quên đi điều thầm kín trong lòng. Và lúc đó, ba ruột và mẹ kế của cậu đã đồng ý cho cậu đi về cùng với mẹ của mình. Mặc dù rất đau lòng, nhưng họ vẫn quyết định để cho cậu ra đi và tha thứ cho những tổn thương mà cậu đã gây ra cho họ trong suốt thời gian vừa qua.
Thời điểm đó, mẹ của cậu đã không tôn trọng người ba ruột và mẹ kế, bà ấy cho rằng việc ủng hộ con sống đúng với bản chất LGBT – là một điều sai, nên họ cũng không biết nên làm gì hơn. Có lẽ, cậu bé đã được chăm sóc quá tốt nên đến hiện tại, ngay cả những việc căn bản của đứa trẻ tuổi thành niên, cậu cũng không thể làm, mà hầu như mọi thứ người mẹ đều làm cho.
Câu chuyện về cậu bé sẽ dừng lại ở đây. Điều mình muốn chia sẻ trọng tâm không phải là về xu hướng tính dục của cậu, mà ở đây, chính là sự tỉnh thức của cha mẹ trong giáo dục con cái.
Tại sao làm cha mẹ lại cần sự tỉnh thức? Là bởi vì nếu như làm một người cha người mẹ có đủ sự tỉnh thức thì sẽ không bao giờ dùng sự đố kỵ của mình mà hủy hoại đi cuộc đời của đứa con. Hay nhân danh tình yêu thương mà không để cho con có cơ hội tự lập, và đạp đổ đi những giá trị mà một bên khác xây dựng cho con của mình.
Cậu bé trong câu chuyện ở trên, lúc trước càng ngoan ngoãn, lễ phép và trở thành người tốt bao nhiêu; khi về bên người mẹ ruột lại càng thay đổi gần như ngược lại. Cùng với sự đố kỵ và ganh tị, và cả cái tôi trỗi dậy, khi thấy bản thân đã không làm tốt vai trò như người mẹ kế, dù rằng bà biết rõ hành động của mình là sai, nhưng vẫn tiếp tục dùng vật chất, tiền bạc và những hứa hẹn đẹp đẽ ở tương lai để khiến cho cậu bé ấy ngày càng tự xây cho mình một chiếc tổ, bất cần đời, chỉ cần được sống trong chính cái tổ đó mỗi ngày là đã đủ.
Những việc làm đó đã kéo đến hậu quả là ngay cả những điều cá nhân nhỏ bé mà cậu cũng không làm được. Duy chỉ có một việc cậu làm “tốt” đó là: những lần lén lút tìm kiếm thông tin và hình ảnh liên quan đến xu hướng tính dục của bản thân, sau lưng người mẹ ruột.
Giá như ngay từ đầu người mẹ ruột có được sự tỉnh thức để kiểm soát được cái tôi, sự ích kỷ, ghen tuông dành cho người ba và mẹ kế, thì sẽ thấy được sự chăm sóc và yêu thương của hai người đó dành cho con trai mình. Nếu ngẫm lại một cách sáng suốt, người mẹ ấy sẽ thấy rằng chính mình đang cướp đi quyền được trải nghiệm cuộc sống của con, và quyền được là chính bản thân con.
Giá như người mẹ ruột biết sống với lòng biết ơn, trân trọng thật tâm thì bà đã có có thể giao tiếp với người ba và mẹ kế một cách trân trọng, để cùng nuôi dạy con trai phát triển bình thường. Chứ không phải giả vờ thân thiện, lịch sự trước mặt, nhưng sau lưng lại bắt đầu tiêm vào não của con là ba và mẹ kế là những người xấu xa.
Bằng sự thiếu tỉnh thức, thiếu sáng suốt, người mẹ ruột ấy cho rằng việc dạy con một cách nghiêm khắc là không tốt cho con, bà luôn cố phả lấp đi những điều mà người ba và mẹ kế làm cho con. Và cuối cùng luôn khiến cậu cảm thấy LGBT là điều mà xã hội không chấp nhận, khiến con sống rất lén lút và khổ sở trong lòng.
Sự tỉnh thức thực sự rất quan trọng khi chúng ta kết hôn và bắt đầu có con. Cha mẹ tỉnh thức có thể sống với cái tôi của bản thân, nhưng tuyệt đối không thể mượn con cái để thỏa mãn sự ích kỷ của chính mình, hay nguy hiểm hơn là vì đố kỵ mà tước đi quyền được là chính con người thật của con.
Có lẽ bạn cũng sẽ dự đoán được một phần hậu quả của việc tranh giành và nuôi dạy con của người mẹ ruột phải không? Sau một thời gian đi cùng với mẹ ruột, cậu bé ấy đã trở nên hư hỏng hơn mà người mẹ không hề hay biết, đến khi vỡ lở ra đã khá muộn. Và đến một ngày, người con trai ấy khi đã hiểu ra vấn đề, đã quay về tạ lỗi cùng người cha và mẹ kế. Nhưng thật thương xót khi vào lúc đó, trên người con đã chằng chịt những vết thương, vết sẹo của cuộc đời mất rồi!
Đây là một câu chuyện mà mình mong bất kỳ người cha mẹ nào, dù bản thân ở trong vị trí ra sao, gia đình trọn vẹn hay đổ vỡ thì trước khi dạy con bất kỳ điều gì, chỉ mong rằng cha mẹ hãy dạy con với tình thương và sự bao dung đúng nghĩa, không có bất kỳ cái tôi cá nhân nào đặt ở trong đó. Hay chỉ vì đố kỵ, thể hiện mà không thực sự quan tâm đến sự phát triển của con, bởi đây là cách chúng ta đang đẩy con đi rất xa, mà đôi khi những bước đi này là cả một hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc đời của con về sau.
Vậy nên, nếu như chúng ta có sự thức tỉnh đủ đầy ở mọi giây phút, thời điểm đó chúng ta sẽ kiểm soát được cái tôi và sự đố kỵ của con “quỷ dữ” trong lòng mình. Sẽ biết cách buông cái tôi xuống để xin lỗi con của mình vì đã không làm tròn trách nhiệm trong gian dài, sau đó bằng tất cả tình yêu thương tỉnh thức, hãy đồng hành cùng con, cho dù con là ai!
Hãy để con sống đúng với giá trị và trải nghiệm của con, bởi con của bạn luôn có những giá trị và phẩm chất thực sự tốt đẹp mà chưa chắc người khác có được; cũng như con của bạn sẽ không thể nào sao y bản chính của một người nào khác.
Đừng đem cuộc đời con biến thành những trò chơi, những ván cá cược và chỉ huy nó với cái tôi cũng như sự ích kỷ của riêng mình. Bạn nhé!
Hãy luôn tỉnh thức, tỉnh thức và tỉnh thức!
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!