Thông điệp bạn nhận được trong các mối quan hệ là gì?
Một gia đình có kinh tế bình thường, có ba đứa con trai và một đứa con gái thì sẽ sống với nhau như thế nào?
Mình vừa được nghe một câu chuyện về gia đình của một người quen, ở quê nhà tại Việt Nam. Gia đình ấy có một cô con gái lớn đang sinh sống và làm việc tại thành phố lớn. Hai cậu con trai giữa thì đang học cấp III, và cậu con Út mới chỉ học cấp I.
Hai người con giữa đang ở độ tuổi vị thành niên với sự phát triển mạnh mẽ về mặt tâm sinh lý, thể chất cũng như nhu cầu khám phá và tìm hiểu về cuộc sống. Cái độ tuổi lưng chừng trưởng thành, còn rất ham chơi nhưng vẫn phải cắp sách đến trường đi học. Chắc có lẽ vì thế mà chưa một ngày nào hàng xóm xung quanh không phải nghe lời la mắng ầm ĩ, từ người cha/người mẹ với các cậu.
Cậu bé thứ nhì rất thích bóng đá và khá năng nổ trong việc tham gia hoạt động mang tính thể thao, đoàn đội. Tuy nhiên, chàng trai này lại chưa biết cách kiềm chế ham thích của mình, nên ngoài việc tham gia những hoạt động tích cực, ý nghĩa của trường thì cậu lại còn hay trốn học để đi xem hoặc tham gia các trận đá bóng ngoài sân cỏ. Và sau mỗi lần như vậy, cậu đều sẽ gánh những hình phạt nghiêm khắc từ người cha.
Cậu bé thứ ba thì lại chưa phát hiện ra niềm đam mê nào cụ thể cả, nhưng lại rất ham chơi và không muốn học hành. Bề ngoài là thế, nhưng đến kỳ thi chuyển cấp, trong khi cha mẹ không còn kỳ vọng con mình sẽ thi đậu vào bất kỳ ngôi trường nào, thì cậu lại mang niềm hy vọng đậu ngôi trường cấp 3 tầm trung. Kết quả là, tuy cậu không đỗ ngôi trường bản thân mong muốn nhưng cũng được ghi danh vào ngôi trường cấp 3 khá ổn, mà lại còn được ở gần nhà. Tuy nhiên, sự ham chơi của cậu cũng chưa thay đổi từ đó. Vẫn ham ngủ, thích đi la cà hơn là việc tập trung học hành khiến cha mẹ thực sự phiền lòng.
Trong gia đình ấy, chỉ có cô con gái đầu và cậu con Út là không bị la mắng vì cô gái đã đi làm và ở xa, còn cậu Út thì mới lớp một, vẫn đang chăm chỉ và thông minh sáng dạ, như hai người anh của cậu khi còn nhỏ. Bị cha đánh và mẹ mắng chỉ có hai cậu con giữa, ngày qua ngày không bị mắng cái này thì mắng cái kia. Thành ra, trong lòng hai cậu ấy có rất nhiều vết thương từ những lần bị đánh và la mắng như vậy. Có lúc, hai cậu cũng tỏ ra “hận thù” người cha của mình vì nhiều lần đánh mắng các cậu một cách vô căn cứ.
Tuy nhiên, bạn biết gì không? Hai cậu con trai ấy đâu có biết rằng, mỗi trận đòn roi giáng xuống hai cậu thì người cha đêm đến không ngủ được. Hay lần đầu tiên cầm roi quất vào hai cậu bé, ông đã trốn ra sau nhà ngồi khóc tu tu như đứa trẻ. Đây chính là biểu hiện của sự bất lực của bản thân, sự lo lắng và tình yêu thương dành cho con đang đấu tranh trong lòng người cha. Ông đã từng nghĩ: “Phải chi mình giàu có hơn, có phải sẽ nuôi con tốt hơn không?”
Về phía hai cậu con trai, dù rất không thích cách hành xử của người cha đối với mình, và ngán ngẩm trước những trận đòn roi. Tuy nhiên, cậu con trai thứ nhì, ngay từ khi lên lớp mười, đã biết xin đi làm phục vụ ở quán cafe để có tiền phụ giúp gia đình. Đến khi học lớp mười một và lớp mười hai, cậu đổi sang đi làm phục vụ quán bia vì biết sẽ có lương cao hơn. Nhưng cũng đồng thời đánh đổi lại nhiều thời gian và sức khỏe hơn, có những lúc 1h sáng cậu mới có thể ra về được. Trong khi đó, cậu con trai thứ ba cũng tiếp bước người anh, cậu cũng xin đi làm quán cafe trong dịp Tết, xin đi phụ người ta sơn sửa mồ mả cho tổ tiên vào ngày Tết để có thêm tiền cho mẹ. Với số tiền kiếm được, cậu đều đem về đưa cho người mẹ hơn năm mươi phần trăm, còn lại cậu dằn túi để dành hoặc xin đi chơi với bạn.
Hai cậu con trai lúc nào cũng dành cho người mẹ một tình yêu thương rất lớn. Các cậu đi làm vất vả, người thì dành dụm tiền ăn mỗi ngày, người thì dành tiền lương để đến sinh nhật của người cha hoặc người mẹ, hai đứa con đều có thể mua chút bánh và hoa quả để chúc mừng nhị vị phụ huynh của mình. Còn cậu con Út, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, khi chưa thể kiếm ra tiền, cậu cũng có thể tiết kiệm những đồng tiền lẻ bỏ ống heo, và luôn cố gắng học hành tốt để cha mẹ không phải lo cho cậu nhiều.
Mình thực sự rất cảm động về tình cảm mà những đứa con trong gia đình này dành cho cha mẹ của chúng, dù chúng có sống trong hoàn cảnh không hề đủ đầy, sung túc về mặt vật chất. Chỉ có điều, giữa người cha người mẹ và những đứa con ấy luôn tồn tại một khoảng cách rất khó diễn tả bằng lời.
Mình gọi tên khoảng cách khó diễn tả bằng lời ấy, bằng một kết luận như thế này: Rối loạn kết nối quan hệ giữa cha mẹ & con cái.
Mình biết, việc sử dụng đòn roi với con cái là không nên làm, tuy nhiên, ở bài viết này mình mong bạn hãy nhìn về một góc cạnh khác nhé!
Như bạn thấy đó, rõ ràng, những biểu hiện lo lắng, la mắng của người cha và mẹ không hề xuất phát từ việc họ ghét những đứa con của mình. Chỉ là, thay vì chọn cách nói ra một cách nhẹ nhàng, chia sẻ với con một cách đầy thuyết phục thì họ lại dùng “bạo lực” qua lời lẽ và hành động. Hậu quả là những đứa con ngày càng trở nên xa cách, muốn sớm thoát khỏi cha mẹ của mình để có thể tự lập và trốn được những lần bị đánh mắng đó.
Những đứa trẻ không thích bạo lực nhưng lại không “ngoan” theo cách mà cha mẹ chúng muốn. Còn những bậc phụ huynh thì mong muốn con nên người, nhưng lại dùng phương pháp dạy dỗ khiến cho cả gia đình, hai thế hệ dần mất kết nối với nhau.
Ở trong tình huống gia đình ở trên, cha mẹ nhiều lần đặt quá nhiều kỳ vọng và đòi hỏi ở con với tư cách là một người lớn; mà quên mất độ tuổi chính xác của con mới chỉ đang đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mà thôi.
Việc đánh mắng của người cha, hay việc rầy la của người mẹ chỉ truyền đi một thông điệp duy nhất, đó là: “Con ơi! Cha mẹ rất lo lắng cho con. Bây giờ con không nghe lời cha mẹ lo học hành sống tốt, sau này ai sẽ thay cha mẹ lo lắng cho các con được đây?”
Nhưng, thông điệp của những đứa con nhận được luôn là “Sao ta lại sinh ra đứa con ngỗ nghịch như vậy? Sao con ta lại ngu đần và hư hỏng như vậy? Sao con ta lại không biết học hỏi theo con nhà người khác, mà suốt ngày lêu lổng theo bạn đi chơi?”… Vâng vâng và vâng vâng, rất nhiều những thông điệp tiêu cực mà đứa con nhận được từ việc la mắng của cha mẹ, mà không biết rằng, đằng sau đó là cả một sự lo lắng và quan tâm cho con rất lớn
Người cha trong câu chuyện ở trên từng bất lực với chính mình, từng trách bản thân nếu học hành đến nơi đến chốn, nếu giàu có như người ta thì có lẽ đã cho con được khởi đầu tốt đẹp hơn. Chính vì như thế mà ông sợ những đứa con của mình sau này cũng khổ như ông. Tuy nhiên, người cha thực sự đã chọn sai cách thể hiện mối quan tâm và những suy nghĩ rối rắm như tơ vò của mình với các con.
Bạo lực ngôn ngữ và hành động trong gia đình khiến sự kết nối ngày càng tụt sâu. Các thông điệp yêu thương và những sự quan tâm sẽ bị chúng phả lấp, chôn vùi, tạo ra rối loạn kết nối giữa người thân trong gia đình với nhau
Sự rối loạn kết nối này không chỉ diễn ra ở người thân thương với nhau mà nó còn có thể diễn ra với những mối quan hệ nam nữ, hoặc các mối quan hệ xã hội của mỗi người.
Thế giới này vốn dĩ kết nối với nhau bằng tình yêu thương. Thế nhưng vì hoàn cảnh, vì đám đông tác động, vì môi trường và vì hằng hà sa số những lý do khác nhau khiến cho con người chúng ta quên đi sự thấu cảm, hay không đủ bình tĩnh và sáng suốt để nhận ra vấn đề thực sự là gì.
Mình hiểu, với sự bộn bề tấp nập của cuộc sống, với những nỗi lo toan về kinh tế sẽ khiến chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy của những rắc rối và sự quẩn quanh. Từ đó, đánh mất đi “chân tâm”, sự cảm thông và thấu hiểu cho bản thân và cho những người khác. Nhưng, bạn ơi, cuộc sống của chúng ta vốn là như thế mà!
Mỗi một người, mỗi hoàn cảnh đều luôn muốn gửi đến chúng ta một thông điệp ý nghĩa nào đó! Chỉ là, chúng ta đã sống quá vội vã và chưa thực sự đối xử với cuộc sống đúng cách, vậy nên chúng ta dễ hiểu nhầm, dễ mất kết nối, dễ lâm vào tình trạng cô độc, cô đơn, không ai bên cạnh!
Nào, mỗi lần cảm thấy rối rắm và bế tắc. Hãy đứng lại và hít thở một hơi thật sâu nhé! Khoảnh khắc bạn ở lại với chính mình, tập trung năng lượng vào hành động hít thở của bản thân, bạn cũng sẽ có cơ hội vài giây để giảm bớt tức giận, giảm bớt hậu quả (nghiêm trọng nếu có) từ việc mà bản thân sắp làm đó!
Đây hoàn toàn không phải là phương pháp xuất thần nào cả. Nó chỉ là một điều bình thường thôi nhưng khi quá căng thẳng hay quá tập trung, chúng ta cũng có những khoảnh khắc “ngưng thở” mà bạn không cảm nhận được. Cũng giống như việc bạn đang tức giận với con cái hay với bất kỳ ai, tình yêu thương trong bạn cũng bị “tạm ngưng” ở giây phút đó và mối quan hệ cũng ngắt kết nối theo, nhớ nhé!
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!