Skip links

Đừng cố nhào nặn bất kỳ ai, chúng ta không phải là miếng đất sét!

Đừng cố nhào nặn bất kỳ ai, chúng ta không phải là miếng đất sét!

  • “Chị chị, em đố chị cái này. Chị mà trả lời được heng, em bái chị làm sư phụ ngay và luôn nè”
    Giọng cô em đồng nghiệp lem lẻm bên kia địa cầu sau khi vừa kết thúc cuộc họp, khiến mình bật cười và hình dung ngay cái vẻ mặt tỏ ra bí ẩn, lém lỉnh của cổ lúc ấy.

    Mình giả vờ hỏi nghiêm túc:
  • “Có chuyện gì đó cô, bữa nay bày đặt thách thức đố chị đồ heng. Lẹ lẹ đi tui trả lời rồi còn đi mần công chuyện khác” 

    Bên kia bật cười khanh khách, tỏ vẻ đắc ý:
  • Haha, nói ngay nói ngay! Em đố chị làm sao để “tống khứ” suy nghĩ của người khác ra khỏi đầu của mình và “biến” tiền của người khác vào trong túi mình? Chị trả lời em điiii.
    Chữ “iiii” kéo dài của cô nhỏ khiến mình càng buồn cười, càng tưởng tượng ra cái vẻ mặt lém lỉnh của nhỏ nhiều hơn :))) 

Quả là hai câu hỏi thú vị, bạn heng! 

Trông thì có vẻ đơn giản nhưng hai câu hỏi lại rất có chiều sâu và không trả lời qua loa được. Tuy nhiên, mình chỉ tập trung vào câu hỏi thứ nhất, còn câu hỏi thứ hai thì đơn giản hơn, bởi vì bản chất của tiền là luân chuyển, chỉ cần bạn lao động chân chính, tạo ra giá trị cho người khác, hiểu nhiên chúng ta sẽ luôn được “trả công”. Còn số tiền nhận được lớn hay nhỏ, phụ thuộc vào nỗ lực nhiều hay ít của mỗi người mà thôi.

Trước khi chia sẻ về câu hỏi thứ nhất, mình sẽ đưa ra một ví dụ nhỏ xíu, để giúp bạn hình dung rõ hơn heng. 

Bạn có bao giờ chứng kiến một người nghệ nhân làm gốm hành nghề trực tiếp chưa? Hay bạn đã từng thử làm gốm khi nào chưa? 

Nếu rồi thì có lẽ những gì mình viết dưới đây, bạn sẽ hình dung được. Còn nếu chưa, mình hy vọng bạn có thể hiểu được.

Nguyên liệu chính để làm nên một tác phẩm gốm sứ bao gồm: đất sét và một số phụ gia vô cơ/hữu cơ. Người nghệ nhân sẽ tạo hình ra vật phẩm, sau đó đem nung qua lửa ở nhiệt độ cao hoặc phơi khô tự nhiên ở nơi thoáng mát. Và cuối cùng là việc trang trí hoa văn, sơn màu và tráng men cho thành phẩm. 

Điều đáng chú ý nhất trong khi tạo hình vật phẩm gốm sứ không phải ở nguyên liệu hay khâu tô vẽ hoa văn. Để tạo ra một chiếc bình, một cái chén hay bất kỳ hình dáng nào, đặc biệt là những đồ vật có tay cầm; đòi hỏi người nghệ nhân phải rất cẩn thận và nhẹ nhàng. Người nghệ nhân phải học cách kết hợp giữa bàn xoay và đôi tay khéo léo của mình để tạo nên hình dáng đảm bảo. Lúc này, nếu đôi tay quá cứng, o ép và dùng lực quá mạnh, hình dáng tạo ra sẽ bị cong vẹo khác thường. Nhưng, nếu người thợ sử dụng sự mềm mại, khéo léo và kiên nhẫn của mình, sản phẩm tạo ra sẽ luôn có hình dáng đẹp theo mong muốn. 

Bạn thấy hong,

Một miếng đất sét thôi, nhưng nếu cứ cố nhào nặn một cách cứng nhắc, thiếu sự kiên nhẫn và dụng tâm, miếng đất sét ấy có thể trở thành một đồ vật méo mó hoặc bỏ đi, không có giá trị. 

Còn con người chúng ta thì sao? Chúng ta ai cũng là vật thể sống động, bằng da bằng thịt, vậy mà tại sao cứ luôn cố gắng uốn nắn, nhào nặn người khác, theo ý của mình? Tại sao, với một đồ vật ta còn phải dụng tâm, dùng hết sự khéo léo của bản thân để chúng trở nên đẹp hơn, giá trị hơn. Mà với người khác, chúng ta lại dùng sự cứng rắn, chuyên quyền để cố thay đổi họ theo mình?

Với mọi mối quan hệ trên đời này đều như vậy. Nếu bạn chỉ khăng khăng muốn người khác thay đổi, làm theo ý của bạn, trở thành phiên bản mà bạn cho là tốt, lập tức mối quan hệ ấy sẽ đi vào ngõ cụt và đứng trước bờ vực tan vỡ. 

Quay trở lại với câu hỏi: Làm sao để “tống khứ” suy nghĩ của người khác ra khỏi đầu của mình? Vậy thì bạn hãy hỏi ngược lại, tại sao bản thân lại cứ muốn tiêm vào đầu người khác, muốn họ làm theo mong muốn của chúng ta, cho dù họ chẳng muốn? Họ – cho dù là cha mẹ/con cái/quan hệ thân thiết đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng sẽ luôn có cảm giác muốn “tống khứ” suy nghĩ của bạn ra khỏi con người họ, mà thôi.

Bạn cũng như vậy mà, đúng hong?

Nếu một người mẹ cứ suốt ngày bắt đứa con phải làm việc nhà, phải dọn dẹp cho thật sạch nơi ở, trong khi không giải thích lý do tại sao con cần phải làm việc đó. Thì cũng có lúc con muốn xa lánh mẹ, bởi bất kỳ lúc nào gặp, mẹ cũng chỉ “ra rả” rằng “Hãy làm việc nhà đi!”, mà không hề thấy tình yêu của mẹ ở đâu, sự chăm sóc của mẹ dành cho con như thế nào cả. Lâu dần, con của bạn sẽ tự thiết lập “cơ chế” lánh xa nơi có mẹ, để không phải thực thi mệnh lệnh. Và đến lúc con dậy thì, lớn hơn một chút, chúng sẽ tìm cách “thoát” ra khỏi tổ ấm – nơi mà con luôn bị ám ảnh bởi “việc nhà và những lời sai khiến”. 

Bạn ạ, mỗi người chúng ta sẽ không thể nào thay đổi, trừ khi chính bản thân mình mong muốn và cảm thấy điều đó là cần thiết. 

Khi bạn thực sự hiểu điều này, bạn sẽ không còn muốn nhào nặn bất kỳ ai, dù cho mục đích của bạn là muốn họ tốt lên. Việc của chúng ta là góp ý hoặc định hướng, không phải can thiệp và cố gắng xoay chuyển mọi thứ theo mong muốn bản thân. Mỗi người đều luôn có hành trình trải nghiệm của riêng mình, như mình đã từng viết trong bài Sứ giả của cuộc đời bạn, rằng: “Bất kể người nào bạn gặp, đều là người cần gặp và không có gì xảy ra trên đời này là ngẫu nhiên, đó đều là hiển nhiên.”

Mặc khác, khi bạn nghĩ rằng những gì mình đang làm là tốt cho người kia, nhưng họ không tiếp nhận, vì thấy không phù hợp, hoặc không phải điều họ cần, có thể bạn sẽ bị tổn thương. Vậy nên, việc cố gắng hiểu và giao tiếp được với nhau quan trọng hơn việc bạn cố gắng uốn nắn ai đó theo ý mình. Mỗi thông điệp bạn đưa ra được người khác thấu hiểu, khi đó, mới đúng là giúp đỡ và đồng hành. Nếu họ không làm theo, bạn cũng sẽ không buồn và cũng không hề áp đặt nữa, vì bạn hiểu quyền quyết định thuộc về họ. Lúc đó, tình cảm và mối quan hệ ấy mới thực sự bền chặt. 

Mình nhìn thấy nhiều người mẹ, người vợ rất hay có thói quen “áp đặt”, thậm chí, họ còn muốn điều khiển cả việc chồng khi đi làm mang đôi vớ màu gì, áo màu gì, kiểu tóc ra sao; tương tự như vậy với con cái của mình. Họ cứ liên tục kiểm soát và canh chừng, cứ mãi chạy theo để xem chồng/con đã làm đúng y như mong muốn của mình hay chưa. Ban đầu, có thể sự chăm sóc ấy sẽ khiến đôi bên vui vẻ vì cảm giác được yêu thương, quan tâm. Nhưng về lâu dài, có thể cả hai sẽ rơi vào khổ sở, bởi người muốn nói người không muốn nghe, cái mình thích thì lại là điều người khác phản đối. Từ đó, sinh ra bất hòa, tổn thương, hiểu lầm và cả sự chán ghét, đổ vỡ dành cho nhau. Tình yêu cũng từ đó dần dần tan biến.

Đừng cố nhào nặn bất kỳ ai, chúng ta không phải là miếng đất sét!

Dù là gì của nhau thì chúng ta đều không nên, đúng hơn là không có quyền can thiệp, nhào nặn cuộc đời của người khác! Mọi thứ chỉ nên dừng ở định hướng, đóng góp và sẻ chia cùng nhau mà thôi. Sự ép buộc và chuyên quyền, sẽ chỉ làm cho mọi thứ đổ bể, bạn nhớ heng!

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired