Skip links

MẸ ƠI, HÃY CHO PHÉP CON ĐƯỢC GIỮ LẠI TÌNH BẠN NÀY!

Mẹ ơi, hãy cho phép con được giữ lại tình bạn này!

  • Ê Na, em/mày/chị có thấy mệt hong khi luôn sống rất kỷ luật, nghiêm khắc như vậy?

Đây có lẽ là một trong những câu hỏi mà mình nhận được nhiều nhất từ những người xung quanh, đặc biệt là anh chị em bạn bè thân thiết. Nhiều người còn nghĩ rằng mình sống nghiêm khắc, kỷ luật như vậy thì con với chồng mình sẽ như thế nào, có chịu nổi hong 😀 

Mỗi lần có ai đó bật ra câu hỏi này là mình lại thêm một lần “À háaa”, thêm chút mắc cười kiểu như, trời ơi, hỏng lẽ mình nghiêm khắc thì hong có ai sống với mình nổi hả ta 😀 Mọi người đừng có quên anh xã cưng tui lắm nhen! 

Đùa một chút với bạn cho vui thôi, hôm nay mình lại nhận thêm một câu hỏi nội dung tương tự nên nghĩ rằng, chắc có lẽ mọi người nghĩ mình hung dữ lắm, “cọp mẹ” lắm. Mình sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện này heng, rồi các bạn “luận bàn” thử xem heng!

Khoảng đầu năm nay, con gái mình có tham gia cắm trại cùng với trường của bé. Đây là lần đầu tiên cô nhỏ được đi cắm trại với trường cấp hai mới, nên cổ vui hí hửng dữ lắm. Sáng đó, cả nhà tất bật dậy ăn sáng, rồi chuẩn bị dìu dắt nhau đưa cô nhỏ sang trường tập trung cho đúng giờ. Mà thật tình thì ngôi trường của con nằm cách nhà có mấy bước chân thôi, vầy mà cô nhỏ háo hức, phấn khích đến nỗi nhảy tưng tưng, đi băng băng về phía trường, quên mất đằng sau có ba mẹ đang kéo vali cho cổ luôn. Bình thường cổ sẽ tự làm mọi thứ, nhưng hôm ấy tâm trạng vui vẻ quá vì sắp được trải nghiệm kỳ cắm trại đầu tiên nơi trường mới, nên cổ nói muốn ba mẹ dẫn đến tận nơi :)) 

Dù cho sáng hôm ấy, con có hơi sụt sùi vì thời tiết mấy hôm trước không được tốt. Nhưng tay con thì cầm bịch mứt gừng mình đưa, ăn cho ấm người và đỡ say xe khi đi trên đường; chân thì hăm hở đi như thể, nếu chậm sẽ không được trải nghiệm cắm trại vậy đó. Thấy sức khỏe con có hơi ảnh hưởng xíu nên khi con đi trại mình cũng hơi lo, sợ ham chơi quá khi về lại bệnh. Nhưng mà trái ngược với những lo lắng của mình, cô nhỏ đi te te và trở về mạnh khỏe, vui vẻ hơn. 

Khi con về nhà, vì rất muốn nghe con đã làm những gì suốt mấy ngày qua ở trại, mình ngay lập tức hỏi con về những trải nghiệm ấy. Lúc đóng phí cho con đi cắm trại cùng trường, mình cũng có nghe về dịch vụ mà trường sẽ triển khai cho con nên có chút tò mò. Nhưng lúc được hỏi, thì con mình lại chia sẻ rằng, điều con không hài lòng nhất chính là về dịch vụ ăn uống. Con nói rằng thức ăn không được nấu kỹ, vị cũng không được ngon nên con và rất nhiều bạn chỉ ăn chủ yếu rau củ, không dám ăn thịt nhiều. Và thường ở trạng thái khá đói, nhanh đói. 

Khi nghe con kể như vậy, mình khá ngạc nhiên bởi vì với mình, những thứ dành cho trẻ con, hay tất cả những kỳ nghỉ, đi chơi nào có trẻ con, mình sẽ luôn ưu tiên cho bọn nhỏ, nhất là chuyện ăn uống phải đủ đầy. Nếu đi đâu xa, mình cũng sẽ thường chuẩn bị “kế hoạch B”, để phòng hờ có điều bất ý xảy đến. Hơn nữa, khi ở nhà với mình, con được mình chăm sóc khá kỹ chuyện ăn uống, luôn ăn đủ các nhóm chất và cân bằng giữa bữa chính và ăn vặt. 

“Vậy trường có chuẩn bị snack hay những đồ ăn khác cho tụi con hong? – Mình hỏi lại để chắc chắn hơn về việc ăn uống của tụi nhỏ lúc đó.
“Dạ không” – Con trả lời 
“Vậy con nghĩ sao về dịch vụ của trường? Con có muốn mẹ gọi điện complain lại với trường hay không?”
“Dạ không. Con không muốn”
“Tại sao?”
“Con nghĩ chuyện đó cũng qua rồi, với lại con nghĩ cũng không phải là do trường đâu, do đơn vị làm dịch vụ đó không được chu đáo.”
“Ok con. Mẹ tôn trọng ý kiến của con. Tuy nhiên, mẹ vẫn muốn nói rằng, việc tổ chức một kỳ cắm trại hay dù chỉ đơn giản là một buổi đi chơi cùng trẻ con, thì người lớn cũng luôn cần chú ý kỹ càng để chăm sóc tốt cho tụi con. Luôn phải có “kế hoạch B” để dùng khi cần. Và điều đó vẫn thuộc về trách nhiệm của nhà trường, của người lớn đi cùng, nên chuẩn bị đầy đủ hơn để hạn chế những trải nghiệm không mấy tốt của các con” 

Sau khi giải thích rõ với con, mình vẫn hỏi lại rằng con có chắc chắn không cần ba mẹ góp ý lên trường không, thì cô nhỏ vẫn giữ nguyên lập trường là không. Mình cũng tôn trọng ý kiến của bé, nên không hề có cuộc gọi nào diễn ra sau đó cả. Bởi, mình hiểu quyết định của con, con làm vậy là vì không muốn ba mẹ làm khó thầy cô, cũng như muốn giữ một thiện cảm tốt đẹp với trường mới. 

Mình cũng từng trải qua thời đi học nên mình rất hiểu cho cảm giác và suy nghĩ của con lúc đó: luôn muốn giữ sự vui vẻ, chan hòa với bạn bè, không muốn trở thành “tâm điểm” chú ý trước các bạn khác, khi ba mẹ liên tục góp ý với thầy cô về vấn đề nào đó của nhà trường. 

Hơn nữa, từ trước đến nay, mình luôn dạy con theo kiểu: “Bất cứ điều gì có thể bỏ qua được, thì hãy cố gắng bỏ qua”. Và may mắn đến hiện tại, cô nhỏ nhà mình cũng áp dụng được kha khá.

Một trong những điều mà mình luôn thực hành khi dạy con, đó là: luôn  lắng nghe và tôn trọng những quan điểm, hay những mong muốn sâu bên trong mà con chia sẻ. Ngoại trừ những điều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần hay sự an toàn cho con, còn lại mình sẽ hầu như không làm ngược lại ý kiến của con, nếu con chưa đồng thuận. 

Ngay cả khi, con cũng nói với mình về việc ở trên trường con bị một số bạn bè chọc ghẹo. Những lúc như vậy, mình chỉ nói cho con hiểu hành vi của bạn là có ý gì và cách để con ứng xử mỗi khi bị như vậy. Mình không hề muốn can thiệp sâu và chẳng cần phải nói với nhà trường về điều đó, bởi mình hiểu, đã là con nít thì sẽ luôn có những lần thích ghẹo bạn bè cho vui, chứ không có ý gì quá đáng. Mình hiếm khi làm cho mọi thứ nặng nề hơn, chỉ đồng hành và hướng dẫn con cách đối diện với những chọc ghẹo từ bạn bè mà thôi. 

Nhưng, bạn biết hong? Không phải lúc nào mình nghĩ như vậy. thì cũng sẽ gặp được người nghĩ giống mình. Mình biết, có một số phụ huynh có xu hướng bảo vệ, quan tâm con quá mức, thậm chí có thể làm con xấu hổ hay mất đi một mối quan hệ bạn bè thời thơ bé, chỉ vì sự can thiệp quá sâu của họ vào đời sống của con. 

Câu chuyện tiếp theo đây là minh chứng rất rõ ràng về điều mà mình chia sẻ ở trên, có thể bạn cũng sẽ gặp hoặc đã gặp, khi nhà có con ở độ tuổi đến trường: 

Có hai cô bé mà mình biết cùng học chung một lớp tại trường mới, tạm gọi là A và B. Dù thời gian tiếp xúc không phải quá lâu, nhưng hai bạn đang bắt đầu thân thiết, hiểu nhau, chơi với nhau nhiều hơn. Nhưng bỗng một ngày, cô bé A đến nói với cô bé B rằng: “Mẹ tui không cho tui chơi với bồ nữa, nên sắp tới chắc là hong được chơi nhiều với nhau nữa rồi”, kèm theo đó là ánh mắt buồn bã xen lẫn có lỗi với bạn mình.

Sở dĩ như vậy cũng là vì một chuyện nhỏ xảy ra giữa hai bạn, trước khi chơi thân với nhau. Trong một lần, bạn B có chọc ghẹo bạn A, bằng cách “hùa” với một bạn khác trong lớp lấy và chuyền nón của bạn A đi xung quanh. Chỉ có một lần duy nhất đó, và ngay sau khi thực hiện hành động ấy xong thì bạn B nhận ra là mình hỏng có nên làm như vậy, tội nghiệp bạn A. Nên sau đó, bạn B đã đến xin lỗi bạn A ngay lập tức, và hứa sẽ không bao giờ lặp lại. Bạn A lúc đó cũng đã vui vẻ chấp nhận lời xin lỗi của bạn B. 

Khi về nhà, A cũng chỉ là vô tình kể với mẹ của mình về những gì xảy ra trên lớp, có cả chuyện bạn B cùng bạn khác lấy nón của mình ra sao, nhưng sau đó B đã xin lỗi và A cũng đã chấp nhận lời xin lỗi đó như thế nào. Mẹ của bạn A sau khi nghe xong câu chuyện thì chỉ im lặng, không có ý đả động gì cả.

Tuy nhiên, thật bất ngờ là vài tháng sau đó, mẹ của bạn A lại gọi điện cho thầy cô giáo trên trường và “tố cáo” hai bạn nhỏ đã bắt nạt con mình. Điều đáng nói hơn cả là, trong khoảng thời gian vài tháng đó thì cả A và B lại trở thành bạn tốt của nhau, chia sẻ với nhau rất nhiều thứ một cách vui vẻ. Nhưng người mẹ ấy lại thẳng thừng đi “tố cáo” và cho rằng hành động chơi đùa đó của B và bạn nhỏ cùng lớp, là bắt nạt con của cổ. Buộc nhà trường phải giải quyết.

Và bạn biết hong, một trong những điều mà mình thấy rất dễ thương, nhưng cũng làm mình chạnh lòng khi nghe câu chuyện đó là, bạn A đã đến lớp và thành thật “khai” với bạn B rằng, mẹ của bạn đã gọi điện tố cáo B, dù bản hong có muốn. A đã nói sự thật kèm theo ánh mắt hối lỗi, bất lực vô cùng. 

Với cương vị là một người trưởng thành, cũng là một người mẹ, mình thật sự không đồng tình với hành động của người mẹ ấy chút nào. Bởi vì khi mình biết được lý do sâu xa khiến mẹ của bạn A tố giác với nhà trường về một chuyện đã xảy ra cách đó mấy tháng, chỉ là vì mẹ của bạn B đã “từ chối” chơi thân thiết với mẹ của bạn A, từ đó mẹ bạn A không thích, cũng như mượn chuyện đó để cấm cản con của mình chơi với B, dù người đó thừa biết, hai đứa rất quý mến và thân thiết với nhau.

Chỉ vì cảm giác không hài lòng giữa người lớn mà lại khiến cho con nhỏ phải đánh đổi tình bạn trong sáng, vui vẻ; đưa con của người khác vào danh sách “đen” của trường, thì quả thật là không nên. Trong khi đó, mẹ bạn B dù không thân thiết với mẹ của A, nhưng chưa bao giờ cấm đoán hai bạn nhỏ không được chơi với nhau. Thậm chí, mẹ của B sau khi hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, còn nói với con mình hãy cứ chơi với bạn A nếu con thích chơi cùng bạn; đồng thời nếu bạn cần gì thì hãy giúp đỡ, đừng bận tâm đến vấn đề của người lớn. 

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, rõ ràng B là người đã sai, là người góp phần “gây chuyện” trước với cái nón của A, nhưng bạn đã kịp thời nhận ra, đồng thời xin lỗi bạn A rất thành tâm. Tuy nhiên, vì mẹ của A không muốn bỏ qua chuyện đó, nên mẹ của B cũng chỉ đành dặn dò con của mình, chơi với bạn nhưng cần phải chú ý cẩn thận hơn, nếu không mẹ của bạn lại không vui, thậm chí là có thể ảnh hưởng đến điểm hạnh kiểm của B. Khi nói ra những điều đó, mẹ của B cũng rất khó xử và đắn đo, vì sợ con mình không thật sự hiểu ý. Nhưng may là bạn B đã lắng nghe và hiểu được ý của mẹ mình, vẫn chơi với A, nhưng không làm gì quá “lố”. 

Là bậc cha mẹ, nếu con của bạn gặp phải trường hợp này, bạn có buồn cho con hong? Đang vui vẻ thưởng thức tình bạn tuổi học trò hồn nhiên, thì lại dính phải những toan tính và can thiệp bởi người lớn?

Hành động của người mẹ ấy quả thực đã làm tổn thương đến tình bạn của cả hai đứa nhỏ. Đặc biệt nhất là con của cổ, khi bé sẽ không bao giờ dám tâm sự với mẹ về chuyện trường lớp, bạn bè nữa, vì sợ mẹ mình lại làm những việc như với bạn B thì cô bé sẽ vô cùng xấu hổ, có lỗi với bạn của mình. Hoặc, khi mẹ càng cấm đoán, cô bé lại càng có xu hướng giấu diếm và làm ngược lại sau lưng. Thêm nữa, khi biết mẹ của bạn A như vậy, các bạn khác cũng sẽ có xu hướng không dám đến gần, hay chơi thân với cô bé. Sự kiểm soát, can thiệp thái quá của người mẹ có thể vô tình đẩy con mình vào thế cô độc khi đến lớp, vì các bạn trong lớp sẽ sợ bỗng nhiên một ngày mình có tên trong “blacklist” của nhà trường, khi nào không hay. 

Vậy đó, chỉ vì những hiểu lầm hoặc những điều không vừa ý với nhau giữa người lớn mà lại để con cái phải “chịu hậu quả”, quả thật là không hay chút nào! Không nên vì cá nhân mình, mà tước đoạt đi quyền được có bạn bè thân thiết của con, đúng hong bạn?

Một trong những quan điểm mà mình sẽ không bao giờ thay đổi khi dạy con, đó là: Luôn để con được tự do sống với không gian riêng của mình, dù con ở độ tuổi nào. Để con luôn được là chính con trong mọi suy nghĩ hay quyết định. Con cần được trải nghiệm hết mọi chuyện diễn ra xung quanh, dù cho đó có là trò ngốc xít nhất đi nữa. Thương con đúng cách là khi hãy cứ để con được “quyền làm sai” trong một vài trường hợp nào đó! Vì khi biết sai rồi, thì con sẽ có ý thức sửa. Nếu chưa biết sửa thì lúc này, ba mẹ sẽ là người hướng dẫn, góp ý cho con!

Bạn nhỏ nhà mình từ trước đến nay vẫn luôn được ba mẹ áp dụng cách này, cho nên mỗi khi bạn làm sai điều gì, dù đã được ba mẹ nói trước, thì liền lập tức nhận ra rằng “À, ba mẹ mình đúng nè. Chỉ có ba mẹ là bao dung với mình nhất, ở ngoài kia không có quá nhiều người bao dung với mình như vậy”. Từ đó, con sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, hạn chế lặp lại những lỗi sai trước đó. 

Nghiêm khắc nhưng không cấm đoán. Kỷ luật nhưng không can thiệp vào chuyện của con, luôn để con tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của bản thân, là những điều mà mình sẽ luôn chắc chắn làm, khi dạy con. Mình luôn muốn trở thành bạn của con, chia sẻ và hướng dẫn cho con hơn là một người mẹ sử dụng quyền lực để uốn nắn bé theo ý mình! 

Chắc cũng vì vậy mà dù mình khó, con vẫn thương và muốn có mình bên cạnh! Ở bên mẹ và ba, con luôn được tôn trọng ý kiến, được tự do quyết định, và có không gian riêng. Bí quyết của mình cũng chỉ có như vầy thôi. Bạn có thể thử áp dụng để con luôn được vui vẻ, luôn tin tưởng vào bạn, bạn nhe!

P/S: Đến đây, thì mình cũng giải đáp luôn thắc mắc ở đầu bài luôn gòi đó. Hihi.

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired