Skip links

TẠI SAO NHỮNG ĐỨA CON TRAI LẠI ÍT KHI GẦN GŨI BA CỦA CHÚNG?

Tại sao những đứa con trai lại ít khi gần gũi ba của chúng?

Trong nhiều những bài viết trước đây của chuyên mục “Ba mẹ và con cái”, Truly Inspired chúng mình đã từng nhiều lần chia sẻ lý do tại sao “Con yêu bạn, nhưng con ghét cách bạn yêu chúng!”, hay “Làm phụ huynh không dễ tí nào!”,… để cùng làm rõ hơn sự kết nối của tình cảm gia đình giữa các thế hệ. Điểm chung của các bài viết này là mình đều chia sẻ cách để trở nên thân thiết với chính con cái của chúng ta hơn.

Tuy nhiên, mình thấy có một sự thật là: thông thường, những đứa con sẽ thường gần gũi mẹ của chúng hơn là ba. Và đồng thời, khi một mối liên hệ giữa ba mẹ – con cái được cải thiện tốt hơn, thì cũng đa số nhờ vào sự trợ giúp của các bà mẹ. Dĩ nhiên, mình biết không phải gia đình nào con cái cũng gần mẹ hơn là ba, nhưng trong quan sát của mình, các thiên thần của chúng ta, dù lớn dù nhỏ thì chúng cũng sẽ thường chọn thủ thỉ, tâm sự với mẹ nhiều hơn. Bởi vì, trong suy nghĩ của tụi nhỏ, lúc nào ba cũng tạo nên một cảm giác gì đó rất khó để lại gần. 

Trong một thống kê nhỏ và có chủ đích của mình, nhiều năm qua khi có cơ hội tiếp xúc với những đứa trẻ, đặc biệt là các bé trai, trong độ tuổi từ 7-16 ngoài đời sống, và qua những trường hợp tư vấn khách hàng, thì đa số, mình được nhận về những câu trả lời như là:  
– Ba khó gần, ba cục mịch, ba hay la mắng, ba không ấm áp, ba không ân cần,.. 
– Ba cứ bắt học, ba luôn khắt khe trong mọi việc, ba chẳng hiểu con một chút nào,… 
– Ba chưa bao giờ hỏi con có mệt không, cũng rất ít khi ôm con,…
– Mỗi lần đối diện với ba con đều cảm thấy rất lo lắng, dù có khi chẳng có chuyện gì cả,… 

Vì người ba đã xuất hiện chân dung như vậy với tụi nhỏ, kể từ khi chúng bắt đầu có ý thức hơn về cuộc sống, cho nên mặc dù khi đã lớn hơn rồi, thì những nét tính cách phác họa về ba của chúng, đều chỉ có một khuôn mà thôi. Tụi nhỏ cũng thường cho mình biết rằng, chúng yêu cả ba và mẹ, nhưng nếu để lựa chọn người mà chúng tâm sự thường xuyên, hoặc nếu có chuyện gì đó có vẻ nghiêm trọng đã xảy ra ở trường học, thì chúng thường sẽ chọn thông báo với mẹ hơn là ba, trừ khi mẹ chúng đi công tác xa, hoặc bận việc gì đó mà không thể có mặt ngay bên cạnh được. 

Là một người con đã trưởng thành, và cũng là một phụ huynh đang đối diện với những vấn đề khi con gái đến tuổi dậy thì, mình hoàn toàn hiểu được lý do tại sao những ông ba lại thường để lại trong lòng con cái những ấn tượng hỏng mấy tốt đẹp, cũng như thấu hiểu được các băn khoăn của những người đã có con, nhất là những gia đình có con trai. 

Thật ra, chính những người ba của bọn trẻ cũng lần đầu làm cha, lần đầu quan sát một sinh linh từ lúc bé xíu cho đến khi trưởng thành với những bỡ ngỡ và vụng về, khi học cách thay tã, cách bế ẵm dỗ dành. Những người ba cũng từng là một cậu nhóc lơ ngơ, qua năm tháng dãi dầu mà học cách lớn lên, sau khi bị cuộc đời quật cho vài trận thật mạnh thì mới thành những người đàn ông trưởng thành; cho nên bên trong họ sớm đã hình thành những gai góc, cứng cỏi, khó mềm mỏng được như những người mẹ. Hoặc ngay từ nhỏ, những ông ba ấy cũng đã chịu ảnh hưởng bởi sự răn dạy khá khó khăn từ ông nội của tụi nhỏ,… Cho nên, dù đã lớn, dù có thể đối phó được nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng các ông ba vẫn sẽ có phần lúng túng trước những câu hỏi khó có đáp án cho con trai,… vì ngày nhỏ họ cũng tự học cách tìm câu trả lời chứ không hẳn là được giải đáp từ ba của họ.

Mình còn biết, có những người ba cũng rất muốn ôm ấp và bảo vệ cho con từng chút, nhưng hơn hết cái ba muốn là dạy con tự bảo vệ chính mình, dạy cho con tự lập, để con mai này có thể tự lớn tự khôn, tự mạnh mẽ dũng cảm bước ra đời. Nhưng cuối cùng những hiểu lầm, những khoảng cách, những khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ khiến cho mỗi một người ba ở một góc nào đó, luôn trở thành hình mẫu lạnh lùng, khó tính, khó gần đối với tất cả đứa con trai của mình. 

Và cũng đã có rất nhiều trường hợp mà con cái, nhất là các cậu bé, sẽ phát hiện ra tình yêu của ba mình, sau khi chứng kiến sự vất vả và căng thẳng của ba lúc làm việc bên ngoài, bị người ngoài nặng nhẹ khó dễ ra sao, phải cố gắng thức khuya dậy sớm để hoàn thành công việc đến mức nào; hoặc có một sự kiện nào đó xảy ra, mà ba của bọn chúng đã chọn cách bảo vệ và hy sinh nhiều hơn để các con được êm ấm, thì khi đó, tụi nhỏ mới thực sự cảm nhận được tình yêu của ba luôn thể hiện khác với mẹ, chứ không phải ba lạnh lùng, ba không thương con,… 

Vậy làm thế nào để cải thiện tốt hơn mối quan hệ giữa ba và con cái? Hay nói đúng hơn, làm sao để người đàn ông trưởng thành có thể gần gũi hơn với người đàn ông sắp trưởng thành trong tương lai?

Ở đây, mình nhìn thấy có 2 cách mà bạn có thể tham khảo và áp dụng song song để góp phần phát triển mối quan hệ giữa người ba và con trai một cách tốt hơn:

Thứ nhất – sự đồng lòng của ba và mẹ trong cách dạy con
Luôn đứng chung một chuyến tuyến với nhau trước mọi vấn đề xảy ra liên quan đến con cái, là điều mà các bậc phụ huynh nên có khi bàn đến các giải pháp giải quyết vấn đề của con.
Tại sao lại như vậy?

Bởi vì mình từng không ít lần chứng kiến cảnh người cha dạy một đằng, người mẹ lại chỉ một nẻo. Hoặc ba la mắng, mẹ dỗ dành ra mặt. Chính những hành động tưởng chừng là yêu thương đó của người mẹ, đã góp phần làm ảnh hưởng đến cảm xúc của các con dành cho ba của chúng. Từ đó, chúng sinh ra sự phân biệt trong suy nghĩ đối với tình cảm của ba mẹ, chúng bắt đầu cân đo đong đếm, giữa ba mẹ, ai là người thương chúng hơn? Và như vậy, sau mỗi lần bị ba la mắng, quở trách, mẹ lại bênh vực hoặc dỗ dành, thì chúng càng tin hơn rằng chỉ có mẹ mới yêu thương và dễ dàng hơn với chúng. Chúng sẽ lập tức “đóng khung” tình cảm của ba mình, chúng sẽ tất nhiên chọn tâm sự và sẻ chia với mẹ nhiều hơn, thay vì tìm đến ba – mà đôi khi, người có có năng lực giải quyết vấn đề nào đó, lại là ba chứ không phải mẹ! 

Cho nên, sự đồng lòng giữa ba mẹ trong cách dạy con là điều rất quan trọng. Cả mình và chồng đã luôn thực hiện điều này với con gái, vì vậy mà con thường hay chia sẻ với cả ba và mẹ mọi chuyện ở trường, chuyện với bạn bè qua mỗi lần gia đình sum vầy bên nhau, không phân biệt, không ngại ngần. Tất nhiên, vì con là con gái nên cũng sẽ có nhiều chuyện thầm kín, riêng tư mà chỉ muốn chia sẻ với mẹ. Điều này thì đúng, bởi vì dù sao mẹ và ba cũng sẽ có sự khác biệt khi kể những chuyện riêng tư liên quan đến giới tính. Nhưng, trừ chuyện đó ra, thì hầu hết các trường hợp dạy con, đều có sự tham gia của hai phụ huynh nhà mình. Tụi mình sẽ luôn cùng ngồi xuống và nói chuyện, trao đổi với con một cách rõ ràng, để giảm tránh các tình huống con sẽ tìm mẹ để tâm sự nhiều chuyện mà không muốn cho ba biết, hoặc ngược lại. 

Và bạn biết hong, qua những lần cùng nói chuyện với nhau, khi đó con sẽ học được cách trình bày vấn đề với ba mẹ một cách thẳng thắn, rành mạch; đồng thời sau khi ba mẹ chia sẻ, gợi ý, hướng dẫn cho con làm đúng chuyện, thì cũng có thể góp phần hỗ trợ con biết cách làm việc nhóm, học được cách thỏa thuận, và luôn cảm thấy đồng lòng với các thành viên trong gia đình mà không kể tuổi tác, khoảng cách tâm hồn!  

Để có được sự đồng lòng này, trước tiên cả ba mẹ cần phải thống nhất với nhau về tư tưởng. Đồng thời, với mỗi sự việc xảy ra, mỗi lần ba răn dạy con cái, người mẹ đều cần xem lại, liệu những vấn đề mà chồng mình đang dạy con, đang chỉnh sửa cho con là anh ấy đã chia sẻ/hướng dẫn cho con những các kỹ năng cơ bản cụ thể để giải quyết, trước đó chưa?

Nếu chưa, mà người ba đã vội làm khó với con thì sẽ vô tình làm con tổn thương, chúng sẽ không phục! Nhất là với các cậu nhóc, khi bọn chúng đã không phục rồi, thì sẽ khó hơn cho ba mẹ khi dạy chúng vào lần tiếp theo.  

Và bản thân mình cũng không ủng hộ cách dạy con theo kiểu “chưa dạy đã mắng” như vậy, bởi vì khi đó người ba chỉ là đang dùng cái tôi và cái biết của người lớn để đem ra ứng xử với con mình, mà không hẳn là sự dạy dỗ đúng đắn, phù hợp. Còn trong trường hợp nếu bạn đã dạy cho con trước đó, mà con vẫn làm sai, thì sẽ tùy theo tình huống mà lựa chọn thái độ ứng xử phù hợp với con! Và cũng đừng quên rằng, với mỗi đứa con, bạn sẽ phải dùng những cách giải quyết khác nhau, không thể áp dụng chung một khuôn cho tất cả!

Những đứa con trai sẽ luôn nể phục người ba của chúng khi ba thương đúng – dạy đủ và làm tốt! Tụi nó sẽ khó lòng lắng nghe, nếu như chúng chỉ nhìn thấy ở ba là sự “bắt nạt” đầy uy quyền của một người lớn tuổi mà thôi!

Thứ hai, học cách giao tiếp với con như những người đàn ông trưởng thành
Với mình, người đàn ông trưởng thành không phải là người đã có gia đình, hay người nhiều tuổi nhất trong nhà, mà chính là người thấu tình đạt lý, là người biết khi nào cần sử dụng sự cứng rắn, và khi nào thì dùng tình thương, sự nhẹ nhàng để ứng xử với con cái. 

Mình tin rằng trong mắt những cậu nhóc, ba của chúng luôn là một anh hùng theo nhiều nghĩa. Mà khi đã là anh hùng trong mắt chúng rồi, chúng sẽ luôn thể hiện sự ngưỡng mộ và sự vâng lời nhất định dành cho ba – bởi vì chúng nghĩ, làm theo ba sẽ là một anh hùng! 

Cho nên, bạn hoàn toàn có thể dạy con theo “chủ nghĩa anh hùng”  như vậy. Từ từ điều hướng chúng ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng để làm được như vậy, bạn cần có một khoảng thời gian quy định để chơi đùa với con hằng ngày, từ đó gia tăng tình cảm và sự thấu hiểu giữa đôi bên hơn. Hãy làm anh hùng nhưng đừng quên, trên thế giới này, cũng có nhiều việc mà anh hùng không thể làm được! 

Ý mình là, sử dụng hình tượng anh hùng để xây dựng trong con tính cách vững chãi, dũng cảm, biết giúp đỡ và có trách nhiệm với bản thân cũng như người khác. Nhưng, anh hùng đôi khi cũng biết khóc, biết buồn, biết thất bại. Chỉ có là, sau khi anh hùng khóc, anh hùng sẽ lại cười, sẽ lại tiếp tục làm một người đàn ông chân chính để bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân và những người yếu thế trong cuộc sống! 

Hãy dũng cảm để cho những đứa con của bạn biết rằng thật ra: 
Ba cũng chỉ là ba, ba cũng có những tâm tư giấu kín và không quen bộc lộ nhưng trong lòng ba biết, ba luôn dõi theo con, và yêu thương các con thật nhiều, chẳng thua kém mẹ là bao!

Nếu mẹ dạy con trở thành một người biết yêu thương, thì ba sẽ dạy cho con trai cách để bảo vệ tình yêu thương đó như một người đàn ông thực thụ, và sẽ dạy cho con gái hiểu được giá trị đúng đắn của tình yêu mà con trao đi cần như thế nào! 

Gia đình chính là nơi mà mỗi người đều có quyền để thuộc về. Vì vậy, hãy cho nhau cơ hội để được thấu hiểu, dù là con trai hay con gái thì cũng nên được đối xử công bằng và thể hiện tình thương rõ ràng như nhau. Việc xóa nhòa khoảng cách thế hệ sẽ làm tăng trưởng tình yêu trong mối quan hệ giữa ba và con cái, bạn nhé! Dạy con không dễ nhưng cũng chẳng phải là quá khó. Mọi chuyện đều có thể giải quyết khi chúng ta trở thành những người bạn của tụi nhóc, bạn nhớ nha!

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired