Skip links

LÀM CHA MẸ – NHỮNG “CẠM BẪY” XUẤT PHÁT TỪ TÌNH THƯƠNG

Làm cha mẹ - Những "cạm bẫy" xuất phát từ tình thương

Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra cũng là một tờ giấy trắng. Những vệt mực đầu tiên vẽ lên chính là nền tảng, mà đã là nền tảng thì xuất phát phần nhiều đến từ cha mẹ chúng. 

Trong một ngày bình thường của chuyến qua thăm gia đình mình vừa rồi, thì “bà cụ non” – đứa cháu mà mình rất mực yêu thương đã ôm lấy mình và thỏ thẻ rằng: 

  • Dì Na ơi, sao bây giờ dì Na thay đổi, dì Na khó hơn, hỏng còn hiền như ngày xưa nữa vậy?

Đứng trước sự thỏ thẻ xen lẫn chút e dè nhưng vẫn muốn thẳng thắn tìm câu trả lời của nàng, lòng mình có chút mềm nhũn. Bởi câu hỏi đó của con đã thực sự rất chạm đến trái tim và cảm xúc của mình. Dù là cháu thôi, nhưng từ trước đến giờ mình luôn cưng bà nhỏ như con ruột, đến mức nhiều người lầm tưởng bé thực sự là con của mình. Mình luôn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho bà cụ non này, khi mình có thể. Tuy nhiên, lần gặp lại này, cũng là sau khoảng thời gian mà dì cháu bọn mình xa nhau khá lâu, và khi đứng trước cô bé nhỏ xíu ấy cùng với câu hỏi thỏ thẻ kia, cảm xúc của mình rõ ràng đang có sự xáo trộn. 

Đâu đó trong thâm tâm mình hiểu được rằng, khi con cất tiếng hỏi câu hỏi đó, nghĩa là một phần trong con đã nghĩ rằng, mình hỏng còn thương con nhiều như ngày xưa nữa. Sau nhiều năm hỏng được gặp nhau, hình ảnh yêu thương và cưng chiều con hết mực dường như đã in sâu vào tâm trí con, cho nên rất có thể, khi qua thăm mình, con cảm thấy thời gian quá lâu đã làm cho tình cảm mà mình dành cho con không còn nhiều như trước nữa. Mình cảm nhận rằng đâu đó trong lòng, con có phần hụt hẫng. 

Nhưng sau đó, mình trấn tĩnh, ôm con vào lòng, một tay vuốt tóc, tay còn lại xoa má con và nói rằng: “Na biết, ngày xưa những gì con muốn Na đều làm cho con. Thật ra tình yêu thương của Na dành cho các con không có gì thay đổi, thậm chí lớn hơn ngày xưa, nhưng Na nhận ra một điều rất quan trọng là: “Cần yêu thương các con đúng cách để các con trưởng thành hơn. Khi con ở những độ tuổi khác nhau, người lớn sẽ có những cách dạy con khác đi.”

Sau khi nghe câu trả lời của mình, con hỏi tiếp: “Dì Na đã có kinh nghiệm sau khi chăm sóc em như thế nào, mà dì Na nghĩ cần phải nghiêm túc hơn với tụi con như vậy?”

Mình cười nhẹ và nói với cô bé rằng: 
“Em đã có nhiều lỗi sai do xuất phát từ tình yêu thương không đúng cách của người lớn. Nhưng bây giờ em đã sửa được rồi, em đã trở thành phiên bản tốt hơn em của ngày xưa rất nhiều. Vậy nên, điều đó đã làm cho Na có niềm tin rằng, cần phải tạo cho các con nền tảng tốt là điều rất cần thiết. Cho nên Na hong yêu chiều các con theo cách như ngày xưa nữa, mà cần phải có những quy tắc rõ ràng cụ thể, để phù hợp với lứa tuổi của các con hơn.”

Sau khi lắng lòng nghe hết những tâm sự của mình, cô nhỏ dường như vẫn còn phảng phất sự hoang mang không biết liệu bà dì của mình sẽ làm gì với mình tiếp đây, phần khác cũng như cảm nhận được bản thân mình đã rất khó khăn khi lựa chọn thay đổi cách yêu thương con. Nhưng con cũng bắt đầu ý thức, và hiểu đúng hơn về tình thương mà mình dành cho con ở hiện tại cũng như tương lai.

Bạn thân mến,
Việc người lớn hay cha mẹ yêu thương con cái trong gia đình là điều hết sức bình thường. Nhưng, nếu không thực sự cẩn trọng, rất có thể chúng ta sẽ vô tình biến bản thân trở thành những chiếc “bẫy ngọt” cho con của chúng ta bước vào, để rồi chính những chiếc bẫy đó sẽ tạo nên một phiên bản khác không mấy thuận lợi cho sự phát triển của con. 

Để làm rõ hơn ý nghĩa của hình ảnh “chiếc bẫy ngọt”, mình sẽ kể cho bạn nghe thêm 3 câu chuyện khác nhé: 
Có một cậu bé mình biết, tính cách vốn rất lành, biết yêu thương người xung quanh. Cậu là đứa con đầu lòng của ba mẹ cậu, cũng lại là cháu đích tôn, đứa cháu trai đầu tiên trong cả một gia đình lớn, cho nên tình thương lúc này của tất cả mọi người dành cho cậu bé ấy là rất nhiều. Vì sự ngóng trông, vì lâu lắm trong nhà mới đón chào trẻ con xuất hiện, nên người lớn trong nhà, kể cả cha mẹ đều luôn dành những ánh nhìn đặc biệt với cậu bé, lúc nào cũng cảm thấy cậu bé ấy vô cùng dễ thương và luôn khen ngợi hết lời. 

Bởi vì được yêu chiều quá mức, nên khi càng lớn dần, cậu càng ý thức được giá trị sự hiện diện của bản thân trong gia đình, vậy nên khi cậu không được làm điều gì đó theo ý bản thân là liền nổi nóng, sân giận; thậm chí đã vào cấp 2 rồi cậu vẫn nói chuyện như là đứa trẻ con với người lớn trong nhà. Chính sự bảo bọc quá mức của đại gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giao tiếp của cậu ở trường, làm cho bạn bè trong lớp không được thích cậu cho lắm. Bởi vì cậu vốn quen được xem là “Cái rốn của vũ trụ” xung quanh, nên khi đến lớp, cậu cũng hiển nhiên xem bản thân là như vậy. Để rồi lối hành xử ấy đã khiến cậu phải nhận về sự xa lánh, sự tổn thương từ bạn bè, dần dà cậu đã thu nhỏ không gian bạn bè của mình lại chỉ với một vài người mà thôi. Cậu luôn dựa vào tình yêu thương của người thân rồi gây áp lực cho họ, thậm chí mang cả tính cách đó đến trường, khiến cho ngay cả thầy cô giáo cũng khó mà thương được. Từ đó, cậu chuốt rất nhiều phiền phức ở trường học và thường bị bạn bè trêu chọc bởi tính cách mommy’s boy của mình.

Một ví dụ tương tự khác:
Có một cô bé nọ, là con của gia đình mà mình biết. Cổ sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng đầy đủ về vật chất, thậm chí là dư giả. Cho nên khi từ 8-9 tuổi cô bé đã được tiếp cận rất sớm với những thứ hiện đại như là máy tính, mạng xã hội,…

Dù còn nhỏ tuổi nhưng cô cũng đã biết mày mò lên những trang web/app của những nghệ sĩ nước ngoài để bắt đầu tìm tương tác, hay bắt đầu quay những video tự mình nhảy múa như một người lớn chính hiệu theo các bản nhạc thịnh hành, rồi up lên mạng xã hội, sau đó trở thành anh hùng bàn phím trên các kênh. Vì tiếp xúc với những môi trường độc hại quá sớm mà chưa nhận thức được, nên cô bé vô tình bị cuốn và lấy cách ứng xử trên mạng để giao tiếp với người thân ngoài đời, rất nhiều khi cổ nói chuyện với ba mẹ có phần hơi ngỗ ngược. Đó cũng là một trong những “nạn nhân” xuất phát từ “cạm bẫy” của tình thương, bởi vì ba mẹ là những người thực sự rất bận rộn, và luôn nghĩ bản thân thiếu thời gian dành cho con, nên họ tìm cách bù đắp bằng càng nhiều vật chất càng tốt, dễ dàng bỏ qua những ứng xử chưa phải phép của cô con gái. 

Lại thêm một trường hợp khác nữa,
Lần này là câu chuyện về một cậu bé bị tự kỷ nhẹ, tuy nhiên, cậu đủ thông minh để hiểu được bản thân muốn gì. Chính vì sự thông minh đó, cậu lạm dụng nó để đưa ra những “yêu sách” của mình cho ba mẹ, đồng thời cũng không quên sử dụng trí thông minh để mượn cớ mình là ADHD để làm những gì cậu thích. Để sống trong lối sống một mình với những tư duy lệch lạc, trở thành anh hùng bàn phím với tầm… trên 20 nick ảo ở nhiều nền tảng mạng xã hội. 

Và bạn biết hong, cậu bé đó không chỉ mắc chứng tự kỷ mà còn là một người sống với hệ tư tưởng vô cùng lệch lạc về tính dục của bản thân, từ đây, sinh ra rất nhiều những tổn thương trong tâm hồn cậu…

Như bạn đã thấy, có thể hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng cả ba cô cậu bé đều dẫn đến một hướng chung đó là luôn luôn gây áp lực cho người lớn, lạm dụng tình thương của ba mẹ để gây áp lực cho chính họ, để người lớn chiều theo và cho các bạn ấy có không gian làm những chuyện mà các bạn ấy thích, kể cả là những chuyện hỏng mấy đúng đắn, hay đúng hơn là lệch lạc, sai trái.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” hay đại loại những câu như là “Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, huống chi là con cái”. Chúng ta luôn ý thức rõ ràng rằng, con cái mỗi đứa mỗi tính, không có quy luật chung nào áp dụng chung được cho tất cả những đứa trẻ. Nhưng, điểm chung của các trường hợp trên đều là được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng quá mức mà không nghĩ rằng những hành động của mình làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con về sau.  

Chằng hạn như cậu bé đầu tiên và cô bé thứ 2, cả hai đều được sống trong tình yêu lớn, cả ba mẹ rất bận rộn điều đó khiến họ luôn cảm thấy có lỗi với con, vì vậy,  những gì con muốn họ đều đáp ứng ngay, họ đã đẩy con của mình thành đứa trẻ mãi không chịu lớn. Bù đắp cho con bằng vật chất mà đôi khi nó chưa phù hợp lắm với độ tuổi của con. Đồng thời, không cho con có cơ hội thể hiện vai trò giới tính của mình như thế nào. Biến con trở thành đứa trẻ không phân biệt được giới tính của chính mình, vì những chăm sóc rất “mommy’s boy.”

Trường hợp ba, đây cũng là cách nghĩ của đại đa số phụ huynh nếu lỡ con mắc bệnh nào đó khó chữa: “Con mình, mình thương và nhịn nó rồi từ từ nói”. Nhưng bạn biết hong, một đứa trẻ khi còn nhỏ là dễ uốn nắn nhất, chúng ta rất thường hay bỏ qua giai đoạn nền tảng này để đợi cho con lớn một chút nữa mới dạy dỗ, để rồi đến khi con lớn, bắt đầu có ý thức thì sẽ tìm cách tranh luận lại thay vì cố gắng làm theo. 

Khi nuôi dạy con cái, cha mẹ cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Nóng để luôn có đủ ấm áp, yêu thương che chở cho con, lạnh để đủ lý trí nhìn ra được những biểu hiện này có thực sự tốt cho con không, hay đang tạo nên những chiếc bẫy ngọt để con bước vào, để con mãi không chịu lớn, và con sẽ phát triển theo hướng chưa đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi của con. 

Làm cha mẹ tốt chính là hãy dành thời gian cho con chứ không phải vì bận rộn mà bù đắp bằng vật chất. Vật chất dù có nhiều bao nhiêu cũng không đủ để lấp đầy những khoảng vắng của những ôm ấp, vỗ về, vui chơi trong tuổi thơ của con được! 

Như trường hợp thứ ba ở trên, vì ba mẹ của cậu bé không đủ thời gian đồng hành và trị liệu cùng con, nên quá trình phục hồi triệu chứng của cậu rất lâu. Đến khi gia đình thật sự tập trung để chữa trị thì chỉ có hơn một năm thôi, những vấn đề của con đã được chữa trị với kết quả tốt lên đến 90%. Điều đáng nói ở đây là: cậu bé này là điển hình thực tế cho thấy chỉ cần cha mẹ thực sự nghiêm túc đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh, thì tất cả mọi thứ đều có thể sửa được, mà lẽ ra nếu nhiều năm về trước gia đình ưu tiên việc đó, thì cậu đã khá hơn và thậm chí là hết bệnh. Đặc biệt, những sự việc đáng tiếc đã không thể xảy ra nhiều đến như vậy, nếu cậu có trợ lực vững chắc từ vòng tay yêu thương của gia đình!

Vậy, làm sao để tránh tạo ra những “chiếc bẫy ngọt” từ tình thương của cha mẹ?
Mình có ba câu hỏi mà mình nghĩ, tất cả các bậc phụ huynh hãy nên đặt ra cho chính bản thân mỗi người, khi nuôi dạy con cái. Một khi đã thực sự trả lời được, bạn sẽ không còn quá lo lắng về việc tạo ra những “chiếc bẫy ngọt” nữa.

Câu hỏi thứ nhất:

  • Bạn có thể đi cùng con, bảo vệ và che chở con đến hết cuộc đời của con được không? 

Câu hỏi thứ hai:

  • Bạn đã từng bị đòn roi từ người không phải cha mẹ “ban tặng” cho chưa? Như là những cú tát ngoài xã hội, những cú đấm từ cuộc đời? Bạn có thấy rằng khi nhận được những thứ đó từ bên ngoài, nó sẽ còn đau hơn những đòn roi, la mắng của ba mẹ ngày xưa không? Vậy tại sao không dùng chính những trải nghiệm thực tế đó của bản thân mà chia sẻ cho con, để con có thể học tập và sửa đổi bản thân chúng tốt hơn?

Câu hỏi thứ ba:

  • Bạn có muốn trở thành tấm gương tốt cho con noi theo? Nếu có thì tại sao không giữ “cái đầu lạnh” để phát triển cùng con ngay từ bây giờ? 

Đây chính là những lý do khiến mình có những lúc, sẽ rất nghiêm khắc với bọn trẻ con xung quanh mình. Bởi vì mình tin, một ngày các con sẽ hiểu mình yêu các con nhiều như thế nào, chỉ là mình cần phải làm những điều phù hợp để xây cho các con nền tảng vững vàng, trước khi chúng bước ra cuộc đời ngoài kia. 

Mình biết, bản thân sẽ không thể nào đồng hành cùng các con đến hết cả cuộc đời con được, một ngày nào đó rồi những người lớn cũng sẽ theo quy luật của cuộc sống mà rời xa các con, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh mà cuộc đời giao phó. Thì những lúc đó, dù có rất thương các con cũng không thể cưỡng cầu mà ở lại được. Vậy nên, dạy con những kinh nghiệm sống, đồng hành cùng các con ở giai đoạn đầu đời, đôi khi sẽ có những điều dù bạn không muốn, nhưng cần phải làm để con tốt hơn về sau. 

Hôm đó, khi mình nói đến đây, “bà cụ non” lại giẫy nẩy lên: “Hong, con không muốn dì Na hay ba mẹ rời xa tụi con. Tụi con muốn mọi người ở bên cạnh con mãi mãi”.

Hai cô cậu nhỏ cứ vậy mà vỡ òa cảm xúc, nhưng trong lòng các con đã hiểu được những gì mình nói suốt cả buổi qua. Mình đã lựa chọn thái độ thẳng thắn và nhẹ nhàng để chia sẻ với các con, cho các con hiểu được những gì mình cần làm. Và cho con ý thức được, những “chiếc bẫy” ngọt ngào xuất phát từ tình thương, đôi khi sẽ chính là thứ chẳng tốt cho con một chút nào cả. 

Nuôi dạy con cái là điều không dễ dàng chút nào. Nhưng việc tạo nền tảng căn bản, vững chắc ít ra sẽ giúp đỡ được các con nếu không có người lớn bên cạnh. Các con cũng có thể lớn lên và bước ra ngoài xã hội với sự vững vàng, biết tự bảo vệ bản thân, ý thức được những giá trị của chính mình. 

Những ông ba, bà mẹ thân mến! Với tư cách và trách nhiệm của một người làm mẹ, mình biết sẽ luôn có rất nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đối mặt trên hành trình đồng hành cùng con. Tuy nhiên, hãy thật kiên định, vững tâm và bền chí nhé. Hãy giúp các con tránh những “chiếc bẫy ngọt”, để tương lai con thực sự biết mùi vị ngọt ngào đúng đắn, là như thế nào, bạn nhé!

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired