Skip links

Cho con bao nhiều tiền đi học là đủ?

Cho con bao nhiều tiền đi học là đủ?

Đồng hành cùng nhiều ca tư vấn cho các ba mẹ, thì câu hỏi này là một trong những điều khiến cho các ba mẹ vô cùng phân vân, dù là gia đình có điều kiện khấm khá, hay gia đình có ít điều kiện hơn.

Sự phân vân đó cũng không quá khó hiểu, khi mà với gia đình không có điều kiện, thì ba mẹ thường hay sợ rằng nếu con mình đến trường mà không có tiền trong túi sẽ bị bạn bè xem thường, hoặc con sẽ bị xấu hổ trước các bạn. Nhưng ba mẹ cũng lại không biết cho con bao nhiêu thì sẽ là đủ để con có thể vui chơi thoải mái với bạn bè. Với nhà có điều kiện thì lại đắn đo việc không cho tiền thì sợ con thiệt thòi, mà cho quá nhiều thì con sẽ sinh hư. Đặc biệt là những gia đình có con ở độ tuổi tenager. Nói chung, nỗi khổ tâm này hầu như ba mẹ nào cũng vướng mắc trong lòng mà ít có người tìm được cách xử lý vẹn tròn, vì nhiều lý do khác nhau.

Mình là một người mẹ, cũng đang có con trong độ tuổi teen và bản thân mình được giao thoa của hai nền văn hóa khác nhau, giữa quê nhà và nơi ở hiện tại; cho nên mình rất chú trọng đến cách giải quyết cũng như phương pháp hiệu quả để có thể hướng đến sự phù hợp cho con trong vấn đề về sinh hoạt phí. 

Mình hiểu rất rõ rằng mỗi gia đình sẽ có nền tảng văn hóa, tư duy giáo dục khác nhau cũng như tình hình tài chính khác nhau, cho nên ở bài viết này mình sẽ không đưa ra con số nhất định về việc cho con chi tiêu bao nhiêu khi còn đi học. Nhưng, theo quan sát cá nhân với các gia đình mà mình quen biết, có một số gia đình xử lý chuyện cho tiền con khi đi học rất là dễ thương, ở cả gia đình có điều kiện lẫn gia đình không có quá nhiều điều kiện. Kết hợp với kinh nghiệm của bản thân, mình sẽ chia sẻ cho bạn một vài câu chuyện nhỏ dưới đây để bạn bớt đau đầu mỗi lần nghĩ tới vấn đề cho tiền con, heng!

Có một gia đình người bạn mà mình biết, kinh tế ổn định, thậm chí là khá giả, thường đi du lịch nước ngoài một năm vài lần. Người chồng làm chủ một công việc kinh doanh, còn chị vợ làm văn phòng bình thường. Con gái của họ cũng đang ở tuổi teen, sau giờ học ở trường cô bé có đăng ký đi làm thêm ở những chỗ dành cho teenagers. Cô nhỏ đã đi làm được một thời gian khá lâu rồi, bé biết dùng tiền làm thêm đó để chi trả cho các khoản học thêm những môn con thích, cũng như chi trả cho phí sinh hoạt của bản thân mà không phải xin tiền ba mẹ. Điểm đặc biệt khiến mình rất quý ở cô bé này đó chính là dù đi làm thêm ngoài giờ học, nhưng con luôn có kết quả học tập tốt, ở trên trường cũng lại có nhiều mối quan hệ bạn bè tốt đẹp.

Dù sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt, nhưng ba mẹ không cho bé tiền chi tiêu thoải mái như nhiều gia đình khác. Ngoài những chi tiêu cho học tập và một mức phí sinh hoạt rất ít, gần như là hỏng có, thì ba mẹ không cho bé có quá nhiều nhu cầu sử dụng tiền, nếu con cần gì thì chính ba mẹ sẽ mua mà không đưa tiền cho con. May mắn là cô bé cũng không gặp các chướng ngại liên quan đến bạn bè, chướng ngại ở đây mà mình muốn nói chính là sự phân biệt đối xử giữa bạn bè với bé hong có tồn tại, cho nên cô bé cũng khá thoải mái với việc không có nhiều tiền trong túi khi đến trường. 

Trong trường hợp này, có lẽ bạn cũng thấy rất rõ rằng việc không cho con tiền tiêu vặt khi đi học cũng không mấy ảnh hưởng đến việc con có bao nhiêu người bạn ở trường, có được quý mến không, hay tình hình học tập của con cũng không hề chịu ảnh hưởng bởi việc có ít tiền tiêu vặt.

Ba mẹ của con tuy không cho con tiền, nhưng chắc hẳn đã cho cô bé ấy một nền tảng tư duy rất khoa học và phù hợp với sự phát triển ở cô bé. Việc cho con tự lập sớm, đi làm thêm khi còn đi học ấy đã mang lại kết quả tốt, giúp cô bé không những có thể tự chủ, tự quyết những thứ liên quan đến bản thân, như là chủ động trả các khoản học phí cho những môn học mà cô yêu thích. Và có lần, khi có dịp nói chuyện cùng mẹ của bé, chị đã cho biết là sau khi đi làm thêm, cô con gái đã thỏ thẻ với mẹ rằng: dù đi làm vui vì có thêm chút tiền tiêu vặt nhưng cũng rất cực, cho nên con quyết định sẽ cố gắng học thật tốt, để sau này được làm các công việc khác với có mức lương cao hơn. Con thấy rằng con kiếm được nhiều tiền hơn thì con có thể đi du lịch bất cứ đâu con muốn mà không cần phải xin tiền ba mẹ làm gì. 

Bingo! Một mũi tên trúng hai cái đích rồi, bạn thấy hong?
Việc cho cô nhỏ đi làm thêm không chỉ giúp con có thể biết quý trọng đồng tiền hơn, hiểu được rằng ba mẹ đã kiếm tiền rất khó khăn và vất vả như thế nào. Hơn nữa, nhờ việc cảm nhận những vất vả đó mà cổ biết là muốn kiếm được nhiều tiền và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, cần phải học thật tốt. Cho nên cô bé vừa tự lập lại vừa chu toàn việc học rất gọn ghẽ từ sớm! Quả là một điều đáng trân trọng, phải không bạn? 

Vượt sướng khó hơn vượt khổ rất nhiều. Mình biết, bất kỳ người cha mẹ nào cũng muốn con được ăn uống no đủ, điều kiện học tập bằng bạn bằng bè, không thiếu thốn bất cứ thứ gì, nhưng nếu cho con rèn luyện ý chí từ sớm, cho con sự phấn đấu từ sớm, thì con sẽ làm chủ cuộc sống của con tốt hơn về sau. Những đứa trẻ lớn lên từ hoàn cảnh khốn khó, dù không dễ dàng mấy nhưng cố gắng là điều duy nhất chúng cần phải làm nếu muốn cải thiện cuộc sống. Còn những đứa trẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng, ba mẹ đã cho chúng sẵn một nền tảng quá tốt, mà chúng vượt lên được những điều kiện đó để sống cuộc đời của chính nó, quả thực khó gấp đôi!

Việc dạy cho con ý thức về tự lập ngay từ nhỏ sẽ tốt hơn nhiều so với việc chuẩn bị sẵn thảm đỏ, mà có khi thảm đỏ đó chưa thực sự vừa vặn với độ tuổi của con. Những thứ có sẵn mà bạn cho con chưa phải là bản lĩnh, là tư duy đúng đắn mà sẽ dễ đưa con vào cạm bẫy “có tất cả”, không lo không nghĩ, sẽ khá nguy hiểm. 

Từ việc dạy con tính độc lập khi đi làm thêm hoặc, cho con hiểu rằng nếu con muốn có thứ gì đó, hãy làm việc và nỗ lực chăm chỉ để tự mua chính là những bước đầu tiên tác động và hình thành đến suy nghĩ cũng như tương lai của con một cách tích cực, tiết kiệm, đơn giản. 

Kỹ năng sống không phung phí là một trong những kỹ năng khá hiếm ở nhiều bạn trẻ thể hệ sau này bởi thời cuộc thay đổi, cuộc sống đã tân tiến hơn rất nhiều so với thế hệ chúng ta ngày xưa. Nhưng nếu bạn có thể mang đến cho con lối tư duy này, con của bạn tất nhiên sẽ phát triển!

Mình cũng có biết một gia đình có kinh tế rất trung bình ở quê nhà, họ có một cô con gái. Nhưng khác hoàn toàn với chân dung của cô bé ở câu chuyện thứ nhất, cô bé ở câu chuyện này cứ suốt ngày ôm điện thoại và đòi hỏi những thứ chưa tương thích với độ tuổi của bản thân như là quần áo, điện thoại xịn,… 

Khả năng kinh tế của gia đình cô bé khá giới hạn, nhưng cổ lại đua đòi những thứ phung phí, tuy nhiên có lẽ không thể trách cô bé ấy 100% được, bởi vì mỗi khi cô khởi ý muốn lên thì ba mẹ cô bé vẫn cố đáp ứng. 

Cá nhân mình nghĩ, đây là điều không được ổn lắm. Bởi vì sự nuông chiều đó sẽ vô tình đẩy con vào chiếc bẫy ngọt, cho cô bé sống trong ảo tưởng gia đình có điều kiện và không ý thức được bản thân đang ở tình huống hay hoàn cảnh nào. Một khi những mong muốn nho nhỏ được đáp ứng, thì mai sau mong muốn to lớn hơn sẽ xuất hiện. Nếu ba mẹ không đáp ứng được nữa, sẽ có thể xảy ra nhiều tình huống không hay như là: cô bé có thể trộm cắp tiền ba mẹ, làm những điều quá phận hoặc cô bé sẽ tổn thương và nghĩ rằng ba mẹ không còn thương yêu đến con nữa, nhất là những gia đình nếu sau đó lại có thêm đứa con thứ hai hoặc thứ 3. 

Mình biết, rất khó để ba mẹ có thể đưa ra sự lựa chọn như thế nào mới là tốt nhất, để con vừa cảm thấy được yêu thương mà cũng vừa cho con hiểu được hoàn cảnh gia đình. Mình cũng biết là làm ba mẹ ai cũng sẽ thương con, luôn mong cho các con được sống đủ đầy, bình an, nhưng, bạn ạ, đôi khi sự “lạnh lùng” và lý trí của ba mẹ lại mang đến cho các con những điều tốt đẹp hơn. Hãy nên cho con có những trải nghiệm thực tế bằng chính công sức của con khi còn nhỏ, như là dạy cho con hiểu ý nghĩa của việc tự lập và kiếm tiền như thế nào, nếu con chưa đủ tuổi đi làm thêm, bạn có thể tạo ra công việc cho con ở nhà. Như là, quét nhà, gấp quần áo, gấp chăn màn,… mỗi thứ khi làm xong và đạt tiêu chuẩn con có được nhận một món quà nho nhỏ nào đó, hoặc nếu muốn con có thể tự quy đổi thành tiền cho chi phí sinh hoạt cá nhân. Sau khi con đến tuổi có thể đăng ký làm thêm, bạn hãy hướng dẫn và đồng hành cùng con, trở thành “nhà tham vấn” cho con khi lựa chọn chỗ làm cũng như bày con xử lý tình huống ở chỗ làm,…

Thông qua những việc này, con của bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Đừng nghĩ rằng cho con có nhiều tiền thì con mới học tốt và có nhiều bạn bè yêu mến. Như câu chuyện cô bé đầu tiên mà mình chia sẻ. Cô bé là một chân dung rất đáng quý mà bạn nên tham khảo để cho con yêu trải nghiệm. Đó cũng là cách để con tránh ảo tưởng rằng mình có đầy đủ mọi thứ, mà đằng sau sự ảo tưởng đó là ba hay mẹ phải “gánh còng lưng” làm việc. Các ba mẹ cần tỉnh táo để không cho những “cạm bẫy tình thương” của mình phá hủy đi những trải nghiệm của con, nhé! 

Hãy để con sống thật với chính hoàn cảnh sống của con, những điều kiện mà con đang có, những thứ thuộc về bản thân con mà không cần phải bao bọc lên con bất cứ thứ hào nhoáng hay vật chất nào cả. Bạn chỉ nên đồng hành cùng, định hướng và chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm với con khi chúng gặp vấn đề. Sự bao bọc và đáp ứng quá mức của ba mẹ có khi chính là chiếc bẫy khiến con mãi mắc kẹt lại với những tổn thương khó chữa lành. 

Mình biết, có một số ba mẹ vì bận rộn nên muốn dùng tiền để bù đắp cho con và nghĩ rằng chúng sẽ cảm thấy đủ đầy hơn. Mình đồng ý rằng tiền có thể mang đến cho con của bạn rất nhiều thứ, nhưng tuổi thơ của con thì không có bất kỳ con số hay vật chất nào có thể bù đắp bằng tình yêu, sự đồng hành của ba mẹ. Không có số tiền nào có thể mua lại được tuổi thơ mà con đã đi qua cả! Vậy nên, chúng ta – những người lớn trưởng thành từng cô đơn ơi! Hãy giảm bớt thời lượng làm việc để tăng thời gian để bên con, hiểu con hơn. 

Và hãy nhớ rằng, sự đủ đầy của một đứa trẻ chưa bao giờ là tiền ở trong túi, mà là tình cảm ở trong tim, bạn nhé!

Thương bạn lắm,
Truly Inspired

HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI

Cho phép tôi biết thêm về bạn.

Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!

Thương bạn lắm,

Truly Inspired