
VẼ CHÂN DUNG BA MẸ CHO CON

Vẽ chân dung ba mẹ cho con
Bạn sẽ làm gì nếu bạn rơi vào tình huống kiểu như thế này:
Nhìn thấy người mà bạn có quen biết, đang bị chỉ trỏ bàn tán ngầm sau lưng bởi những người đang ngồi cùng nhau trong một căn phòng, lý do là vì người đó nhiều lần có hành vi khá “kỳ quặc” trước đám đông, như là:
– Xì mũi rõ to, hay… thọc tay vào ngoáy mũi dù đang ở trước mặt nhiều người
– Mỗi lần cơn ngáp kéo đến đều tạo ra âm thanh to tiếng và hỏng có dùng tay che miệng,
– Rồi còn chưa kể thỉnh thoảng cho tay vào bên trong những nơi nhạy cảm của bản thân để… gãi ngứa và lắm lúc tạo nên âm thanh “sồn sột” khiến nhiều ánh mắt từ sau lưng vừa cảm thấy khó chịu mà cũng vừa có thái độ kỳ thị… theo nhiều hình thức khác nhau.
…
Nếu, bạn là người quen biết (nhưng không thân thiết) với “nhân vật chính” trong tình huống đó, liệu bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ chạy đến bên góp ý cho người đó liền chứ? Hay là bạn cảm thấy nên nói với những người xung quanh đừng “xì xầm” lén nữa?
Cứ cho là trường hợp 1 đi ha, có thể bạn sẽ chạy đến nói với người đó về hành động của họ, thì… bạn nắm chắc bao nhiêu phần trăm việc người đó sẽ cảm kích bạn về hành vi “nhắc nhở nhẹ” của bạn với họ? Hay họ sẽ thẳng mặt đưa bạn vào danh sách đen để sẵn đà mà trút cơn tức giận, trút ra sự khó chịu, chỉ vì bạn dám nhẹ nhàng góp ý cho họ biết là họ đang làm gì và người khác nhìn cổ ra sao, bởi vì đâu đó sự nhắc nhẹ của bạn khiến họ cảm thấy có chút quê độ vì đột nhiên nhận ra họ đã bị bàn tán sau lưng nhiều thế nào…? Nếu bạn không nói thì có lẽ… họ chẳng thấy xấu hổ…?
Mình không biết bạn sẽ làm gì, nhưng thường những tình huống như vậy, nếu không thực sự là bạn bè chí cốt hiểu nhau rất nhiều, thì có lẽ cũng chẳng có ai đến nhắc vào tai người đó những lời khuyên cả. Bởi vì, không phải ai cũng muốn dính vào rắc rối nào đó, và không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với màn hắt nước lạnh vào mặt từ chính người mà họ định giúp đỡ. Nếu có chăng thì sẽ là một người “dũng cảm” mạnh dạn nào đó, kiểu như họ thấy quá “chướng mắt” hoặc thấy tức giận vì những hành động hỏng được tinh tế từ một… người phụ nữ, cho nên sẽ chạy đến nhắc-thẳng-mặt mà không e ngại gì! Còn lại, sẽ thường chỉ là những ánh mắt kỳ thị, đánh giá ngầm sau lưng mà thôi. Bạn có thấy cuộc sống của chúng ta vốn dĩ thường hay xảy ra theo cách như vậy hong?
Và, cô gái mà mình nhắc đến trong tình huống trên chính là một người như vậy – một người không chỉ khiến đám đông có phần nghi ngại, vì thấy cô ấy có những hành vi hơi kỳ quặc; mà thú thiệt thì nếu ở trong trường hợp đó mình cũng sẽ có không ít ngại ngùng bởi hành vi của cô ấy, tuy nhiên mình lại cảm thấy thương cổ nhiều hơn sau cảm xúc ngại ngùng mà mình có được. Bởi vì điều này chứng tỏ rằng cô ấy không có nổi một người bạn thật sự tốt, đủ yêu thương và bao dung, đủ mạnh mẽ để nhắc nhở cô ấy về hành vi cần sửa đổi, tránh trường hợp bị bàn tán hay dị nghị sau lưng…
Câu chuyện này sẽ dừng lại ở đây heng, vì đây chỉ là một tình huống mà mình muốn mượn nó để nói đến vấn đề sâu xa hơn bên dưới này. Ở đây, mình sẽ đặt cho bạn một vài câu hỏi, bạn thử trả lời nhe:
- Nếu như người “kỳ quặc” mà mình nhắc đến đó là con gái/con trai của chính bạn, thì bạn sẽ thấy như thế nào? Bạn có muốn con mình được ví như một “sinh vật lạ”, và bị xa lánh trong mắt bạn bè/người quen biết của chúng, mỗi lần chúng xuất hiện trước đám đông không?
- Bạn sẽ thấy thế nào khi các con của bạn, đặc biệt là các bé gái, không thực sự có lấy một người bạn tốt, hay một người tử tế bên cạnh để họ có thể đến và cho con biết rằng hành động của con đang bị người xung quanh kỳ thị… hong?
Tất nhiên, mình biết câu trả lời là không rồi, ha! Vì chẳng ai trong chúng ta, nhất là các bậc làm cha mẹ muốn con của mình bị chê bai, hay thậm chí là bị xem thường trong mắt người xung quanh cả!
Nhưng mà, với chân dung về người mình có quen biết trong tình huống trên, mình bỗng có một sự quan ngại không hề nhỏ đối với những đứa con của cổ…
Bởi vì, một khi những hành động của chính bản thân mà cổ còn không ý thức rõ được nó mang đến hệ luỵ gì cho cổ, và gây ra sự khó chịu với người khác ở xung quanh như thế nào. Hay đúng hơn là một người còn hỏng biết mình đang tự-hại-mình, mất đi khả năng tự bảo vệ bản thân vì các hành vi, lối cư xử “kỳ quặc”, thì liệu người đó có thể nào dạy dỗ các con của họ sau này được hong? Hay những đứa con ấy sẽ tiếp tục trở thành một phiên bản “mặc kệ thế giới” mà vô tư phóng tác ra các hành vi, cử chỉ của mình trước mặt người khác? Và cũng chẳng hề biết rằng “thế giới xung quanh” đang âm thầm cười nhạo, có những đánh giá không được tích cực về mình?
Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ để thấy thật… bất an và đầy lo lắng cho những đứa trẻ được sinh ra, được nuôi dưỡng bởi những bậc phụ huynh “mặc kệ thế giới” như vậy, phải hong bạn?
Câu chuyện này đã gợi nhớ cho mình về một đoạn thời gian trước – cái thời mà mình đã dành không ít thì giờ để học hỏi và nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng cho từng độ tuổi khác nhau. Và mình còn nhớ như in cái buổi thuyết trình cuối cùng trước khi tốt nghiệp, mình và các bạn trong nhóm đã chọn đề tài dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai làm đề tài thuyết trình cho cả nhóm. Một trong những lý do mà nhóm tụi mình chọn đề tài này là vì trong nhóm có một cô bạn trạc tuổi mình vừa mới mang thai được vài tháng đầu. Đây là đứa con mà cô ấy và gia đình đã mong chờ từ rất lâu rồi, cho nên cổ mong muốn thông qua lần này có thể tìm kiếm, thu thập được những kiến thức hữu ích nhất để cổ có một chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp, cho các giai đoạn thai kỳ khỏe mạnh sắp tới.
Lúc đó, để đạt được kết quả tốt nhất có thể, nhóm tụi mình đã tham khảo các nguồn dữ liệu và tìm được nhiều thông tin hữu ích, cũng biết thêm được kha khá những chế độ ăn dinh dưỡng tốt cho một người phụ nữ mang thai.
Đúng là một khi đã bắt đầu cho hành trình làm mẹ thì từ những ngày mang thai đầu tiên, các chị em chúng mình cho dù đang ở hoàn cảnh như thế nào, điều kiện ra sao cũng sẽ luôn cố gắng để cho em bé trong bụng có được nguồn thức ăn tốt nhất có thể, hy vọng em bé mai này được chào đời khỏe mạnh.
Khi đó, bất giác trong đầu mình lại xuất hiện một câu hỏi khác, đó là:
Ngoài thức ăn cho cơ thể vật lý được khoẻ mạnh ra thì còn điều gì là quan trọng cho sự phát triển của một em bé?
Câu hỏi đó đã bị bỏ ngỏ bởi thời điểm ấy mình cũng khá bận rộn cho các công việc cá nhân, tuy nhiên hôm nay, câu chuyện ở đầu bài như một lời giải đáp cho câu hỏi mình đã từng bỏ ngỏ ngày trước.
Ngoài chế độ dinh dưỡng ra thì thức ăn tinh thần cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bậc cha mẹ không quá chú trọng đến việc cho con một môi trường phát triển trí tuệ, nhân cách tốt bên cạnh việc phát triển thể chất. Đa phần các bậc cha mẹ thường chỉ chú trọng tìm cho con những nguồn thức ăn tốt nhất mà thôi.
Tại sao mình lại có sự liên tưởng này? Và tại sao mình lại nghĩ đến việc dạy con bên cạnh việc cho con chế độ dinh dưỡng tốt?
Đơn giản là, mình thật sự không muốn một đứa trẻ tinh khôi, một tờ giấy trắng thơm tho khi đến với cuộc đời này lại bị “phí hoài” bản thân mỗi một lần xuất hiện trước mặt người khác!
Và mình – một người cũng đang nuôi dạy một đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì, mình hiểu rằng nếu chính các con không có được sự tự tin, lối ứng xử phù hợp, sự lễ độ và văn minh trong từng hành động, suy nghĩ thì mỗi ngày đến lớp, con sẽ sớm trở nên “lụi tàn”, cũng có thể trở thành một “trò cười” trong mắt bạn bè hay thậm chí là thầy cô giáo của chúng bất kỳ khi nào…
Là một người mẹ, và cũng là một người con may mắn được nuôi dạy kỹ lưỡng về những ứng xử hành vi, thái độ của mình ngay từ khi còn rất nhỏ, cho nên mình thật lòng mong muốn thế hệ búp măng xanh của mình và của bất kỳ phụ huynh nào, về sau này cũng đều có một lối sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần, thái độ và phát triển tâm hồn thật đẹp!
Nhưng có một sự thật khá đau lòng là, hầu như các bậc phụ huynh chúng ta đã quá bận rộn, quá lo toan mưu sinh mà chẳng còn để tâm đến những vấn đề này nhiều nữa. Thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng chỉ cần kiếm nhiều tiền, rồi thuê người phù hợp để đảm nhận/hỗ trợ những mặt khác cho cuộc sống cá nhân của họ. Nhưng, với mình, không ai có thể thay thế cha mẹ/người lớn trong gia đình để dạy dỗ ra một đứa trẻ đủ tốt, trưởng thành với tâm thế bình an, vững chãi, hiểu chuyện, có đạo đức ứng xử mà chỉ bằng cách thuê một ai đó và trả tiền công nuôi dưỡng cho họ mà thôi!
Mình cũng đã chứng kiến không ít những tình huống gia đình kiểu Ba mẹ Yêu cầu – Con Yêu sách, Ba mẹ Áp đặt – Con Ngỗ ngược. Bạn có biết tại sao chúng lại như vậy không? – Chúng chính là bản sao của bạn đó!
Ở giai đoạn đầu đời những đứa trẻ chẳng khác gì chiếc máy photocopy vì chưa đủ nhận thức phân biệt sai/đúng, chúng chỉ thường nhìn vào văn hoá sống, hành vi, thái độ mỗi ngày của cha mẹ và những người lớn trong nhà mà chúng thường tiếp xúc, rồi cứ vậy sao chép lại. Đặc biệt là những điều gì mà cha mẹ chúng làm. Vì vậy mà:
– Bạn không thể khiến một đứa trẻ để đồ dơ, tất vớ dơ vào đúng giỏ đồ dơ nếu bạn là một ông bố thường xuyên vứt những thứ đó trên sàn nhà, cạnh chiếc giỏ đó!
– Bạn không thể khiến một đứa trẻ tình nguyện hỏi thăm, nói lời yêu thương bạn, lễ phép quan tâm bạn và người lớn trong nhà nếu mỗi ngày thứ chúng nhận được đều chỉ là những lời mắng nhiếc, và “dạy đời” từ chính bạn?
– Bạn cũng không thể nào bắt những đứa trẻ luôn yêu thương, nhường nhịn nhau nếu bạn và chồng thường xuyên cãi vã, nghĩ xấu, nói xấu về nhau trước mặt chúng!
– Bạn cũng chẳng thể nào khiến con của bạn làm một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết ứng xử đúng mực với người ngoài, vứt rác đúng chỗ, xếp hàng đợi đến lượt,… trong khi bạn liên tục nhai kẹo su chóp chép, thường xuyên chửi thề, hút thuốc lá mọi nơi, áo quần thì luộm thuộm và thường bắt nạt ai đó nhỏ hơn bạn…!
Thật ra mình cũng biết, luôn có một vài phần trăm những đứa trẻ không bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hành vi không được tốt của cha mẹ, hoặc chúng sẽ lựa chọn thay đổi cách sống tốt hơn khi chúng bắt đầu tự nhận thức về cuộc sống. Tuy nhiên, như đã nói, chỉ có vài phần trăm nhỏ nhoi mà thôi… Có lẽ điều này chính bạn cũng nhìn thấy được trong đời sống hằng ngày, trong các mối quan hệ của bạn, phải hong?
Làm cha mẹ là một hành trình chưa bao giờ gọi là dễ dàng cả. Đoạn đường này kể từ khi chúng ta bước chân lên đã phải xác định nó rất dài, cũng rất khó khăn và đầy thách thức, thậm chí có những giai đoạn trong đời, chúng ta đều phải hy sinh bớt những điều khác, để tập trung vào việc nuôi dạy, ở bên con, có khi lên đến con số 5-10 năm cuộc đời chứ chẳng ít được.
Vậy, một khi đã bước chân lên hành trình rồi thì chúng ta cũng không thể để nó trôi qua một cách đầy lãng phí, phải hong bạn? Cũng là tốn thời gian, cũng là tốn công sức vất vả, cũng đều phải hy sinh một vài điều gì đó của riêng mình, vậy thì tại sao chúng ta không làm cho điều được hy sinh đó trở nên thật giá trị – bằng cách nuôi dạy nên đứa trẻ với đầy sự dễ thương trong ứng xử, tử tế từ trong suy nghĩ của chúng, chuẩn bị cho con một nền tảng giáo dục, tư duy, nhân cách đạo đức thật vững vàng để cho con bước vào cuộc đời tự tin hơn?
Mình tin rằng đa số những người phụ nữ khi đã làm mẹ đều có chung một mong muốn đó là: mang mọi điều tốt đẹp nhất cho các con của mình, ngay từ khi con còn nằm trong bụng mẹ.
Mình cũng tin rằng tất cả những người làm cha – cũng có cùng một mong ước giống những người mẹ, tuy nhiên mẹ thường có tác động sâu đến suy nghĩ, hành động của các con nhiều hơn – bởi vì thời gian tiếp xúc, có mặt của các mẹ trong đời sống hằng ngày với chúng thường cũng nhiều hơn cha – thông qua việc ăn uống, chia sẻ cảm xúc, tắm giặt,… trong nhà.
Chính vì vậy mà từ đó, đứa trẻ cũng có xu hướng ảnh hưởng hành vi từ các mẹ nhiều hơn. Cho nên, mỗi một hành động, một nếp nghĩ, một lời khuyên nào đó được đưa ra của người mẹ – đều cần phải hết sức cẩn trọng, mẫu mực, để giúp các con phác họa ra chân dung một người có giá trị, một người thực sự tử tế. Đây là vấn đề rất nhiều cha mẹ, nhất là các mẹ vì thương con, và có đôi khi còn bỡ ngỡ với vai trò của mình nên đã vô tình bỏ qua, không chú trọng.
Như hình ảnh cô gái mà mình nhắc đến ở đầu bài viết này vậy, từ việc nhìn thấy những hành động của cổ, mình tin rằng tất cả những ai có trải nghiệm sâu sắc nhất định về cuộc đời – cũng có thể nhìn ra sự thật đằng sau hành vi đó của cổ, đó là: vấn đề về văn hoá sống, phải hong?
Nếu cổ được nuôi dưỡng tốt, được tiếp xúc với những người mà ở đó chẳng ai xì mũi rất to, ngoáy mũi rất bạo, ngáp tạo ra tiếng động liên tục, hay cho tay vào chỗ kín để gãi sồn sột và nghĩ rằng điều này là bình thường dẫu ở chốn đông người – thì làm sao cô ấy có thể mang trong mình những dáng vẻ ấy, phải hong?
Cho nên, bạn ạ, mình không kêu gọi sự kì thị hành vi của những ai đang mắc phải các lỗi từ chiếc nôi văn hóa này, tuy nhiên, mình xin phép kêu gọi sự thức tỉnh trong từng hành vi, lối ứng xử của chính chúng ta cho thế hệ mai sau. Hy vọng chính bạn – các con của bạn, nhất là các cô gái, thực sự có thể trưởng thành trong dáng vẻ của một người dễ thương, tử tế, đúng mực trong mắt người khác. Hay ít nhất sẽ luôn ý thức được về hành vi nào là đúng/sai với chính mình và người xung quanh!
Khi trải qua trăm nghìn sóng gió cuộc đời mà bạn vẫn giữ được sự thuần thiện và hồn nhiên chân thật cho tâm hồn để đối đãi với mọi người thì quá tốt. Nhưng nếu chúng ta chọn sống theo kiểu “mặc kệ đời nghĩ gì” thì hỏng được. Bởi, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất sau này chính là con cái của chúng ta!
Bạn thật sự sẽ muốn tạo ra một bản sao đầy gam màu xám xịt, đầy tổn thương vì bị đánh giá, bị chê bai, bị người khác bàn tán sau lưng chứ?
Không, đúng hong?
Vậy thì, đừng ngần ngại mài dũa chính bản thân mình tốt hơn mỗi ngày để hình dung của bạn trong con là những đường nét tinh mượt và sắc màu đẹp đẽ! Từ đó mà phiên bản bức tranh cuộc đời con cũng sẽ được sắc nét và tinh tế hơn!
Thương bạn lắm,
Truly Inspired
HÃY KẾT NỐI VỚI TÔI
Cho phép tôi biết thêm về bạn.
Dù hôm nay bạn là ai, ở độ tuổi nào và đang khó khăn, bất an như thế nào, hãy cho phép Truly Inspired được nắm tay bạn, hỗ trợ bạn, từng bước đưa bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hãy nắm tay tôi, tôi sẽ giúp bạn nhận ra món quà đẹp đẽ được Thượng đế gói ghém kỹ càng ngay bên trong chính bạn!
Thương bạn lắm,Truly Inspired
Available to make an appointment
Liên Hệ Với Tôi.
Contact us to start a healthy life!